A PHP Error was encountered

Severity: Notice

Message: Undefined variable: danhmuc1

Filename: views/news_id.php

Line Number: 8

A PHP Error was encountered

Severity: Notice

Message: Trying to get property of non-object

Filename: views/news_id.php

Line Number: 8

23/09/2021 - 2:19 PMLê Công 613 Lượt xem

CÓ ĐƯỢC LÒNG NGƯỜI LÀ SẼ CÓ CẢ THIÊN HẠ

1. Câu chuyện thứ nhất:

Mặt trời lên đến đỉnh đầu bạn mới thức dậy, mắt nhắm mắt mở, vừa đi vào bếp pha cà phê vừa phàn nàn đủ thứ chuyện Đông Tây: Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thành phố giãn cách. Cả tháng nay bạn chưa ra khỏi nhà. Không còn được vây quanh bởi đám đông ồn ào, sống giữa bốn bức tường, tối ngày phải đối diện với chính mình. Bạn không yêu bản thân đủ nhiều nên sinh ra chán.

Bạn nói: “Không biết ngày mai sẽ sống chết ra sao...” Rồi quay ra hỏi mình: “Cậu có sợ không?”

Mình gật đầu, bảo: “Sợ thì cũng hơi sợ. Nhưng giả sử ngày mai chết, hôm nay lết được bước nào thì vẫn cứ phải lết. Chuyện gì còn làm được thì vẫn cứ phải làm. Cho đến hơi thở cuối cùng! Tớ không có thói quen nghĩ về những điều mà mình không thể kiểm soát.”

“Nhưng dù muốn hay không, chuyện đó sớm muộn cũng sẽ ảnh hưởng đến cậu.”

“Vậy thì đến đi!” Mình nói. “Binh đến tướng chặn. Nước dâng xây bờ. Việc gì đến thì ắt sẽ phải đến. Ngồi một chỗ lo lắng cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Thay vào đó, sao cậu không thử đổi cốc cà phê này thành một ly chanh sả mật ong? Ngày mai sao không thử dậy từ lúc 6 giờ tập thể dục trên sân thượng? Hoàn cảnh thường xuyên biến đổi, nhưng cậu thì vẫn luôn là cậu, không phải sao?”

Như thấy có lý, bạn mỉm cười đồng tình: “Ừ! Thôi kệ đi!”

“Thôi kệ đi!”, chỉ một câu ba âm tiết đơn giản, nhưng lại biểu hiện một thái độ sống đầy bao dung và lạc quan. “Thôi kệ” cũng là câu cửa miệng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời. Mỗi khi gặp chuyện không như ý hoặc bị người khác gièm pha, hiểu lầm... Ông chỉ nhẹ nhàng buông ra một câu “Thôi kệ”, rồi chẳng nghĩ gì nữa.

Ngày hôm nay là dịch bệnh, ngày mai là nhân họa, thiên tai... Trăm ngàn biến cố. Đứng trước trời đất mênh mang, con người dù có lòng cũng vô lực phản kháng. Phải chấp nhận rằng cuộc sống có nhiều việc vượt ra ngoài tầm kiểm soát, chúng ta dù cố gắng cách mấy cũng không thể thay đổi. Mải ngoảnh lại quá khứ, mải lo lắng tương lai, chi bằng sống tốt ở hiện tại, cố gắng làm tốt những việc mình vẫn có thể làm.

Bạn sống tốt, trời xanh chưa chắc đã an bài.

Nhưng nếu bạn sống không tốt, thì chẳng cần trời đất nào hết, tự bạn đã hủy hoại chính mình rồi.

2. Câu chuyện thứ hai:

Mình có quen một bạn nhà văn trẻ, không quá thân nhau nhưng cũng xem như “Người cùng một thế giới”. Bạn từng phát hành nhiều cuốn sách, theo thời gian dần xây dựng được danh tiếng, có được lượng độc giả trung thành.

Một hôm, bạn chủ động nhắn tin trò chuyện với mình. Bạn nói: “Tớ cảm thấy như vậy vẫn chưa đủ.”

Mình hỏi lại: “Vậy với cậu, thế nào mới là đủ?”

Bạn trả lời: “Tớ muốn mua nhà, mua xe, muốn những con số trong hợp đồng khi nói ra phải khiến cả thế giới kinh ngạc.” Rồi bạn vạch ra một kế hoạch chi tiết, từng bước, từng bước phải làm thế nào để đạt được mục tiêu đề ra.

Mình nghe xong liền bảo: “Tớ rất hiểu cảm giác của cậu. Nhưng nếu cậu có suy nghĩ như vậy thì thật sự không thích hợp để làm một nhà văn.”

Bạn thoáng im lặng. Mình lại giải thích: “Cậu cầm bút để hướng mọi người đến những điều tốt đẹp, giúp họ gạn lọc những so đo hơn thiệt thường ngày, nhưng bản thân cậu lại quá tính toán và nặng nề chuyện danh vọng, vật chất, cậu không thấy mâu thuẫn sao?”

“Vậy tớ muốn kiếm tiền là sai ư?”

“Không sai! Ai mà chẳng cần tiền để sống! Ý tớ là... Mỗi nghề nghiệp đều đòi hỏi những tiêu chuẩn rất riêng. Với một doanh nhân chẳng hạn, thì doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp phải đặt lên trên hết. Nhưng nếu cậu đã lựa chọn con đường của một nhà văn, vậy thì nên chăng, hãy bớt để tâm đến chuyện tiền bạc, vật chất, để trái tim giữ được sự đơn thuần vốn có. Những nhà văn kiệt xuất nhất trên thế giới, cậu có thấy ai tuyên bố rằng mình muốn trở thành tỉ phú không?”

Vài tháng sau, bỗng thấy trên trang cá nhân của bạn xuất hiện một bài đăng theo kiểu “bóc phốt”: Câu chuyện được tóm tắt như sau: Một em độc giả đặt mua sách của bạn, nhưng khi sách ship đến nhà thì lại... Đổi ý không lấy nữa. Đúng lúc tâm trạng không tốt, bạn đăng một bài viết với hàm ý mỉa mai, câu chữ sắc bén, còn đính kèm bức ảnh chụp tin nhắn giữa bạn và em độc giả kia làm bằng chứng. Dưới phần bình luận, không ít người hưởng ứng nhiệt tình, chĩa mũi nhọn về cùng một hướng với bạn. Sau đó bạn còn nhắn tin cho mình, kể đầu đuôi câu chuyện rồi hỏi: “Thế có tức không?”

Mình nói: “Nếu buộc phải rạch ròi đúng - Sai thì đương nhiên em ấy sai, cậu đúng. Nhưng chuyện nhỏ như vậy cũng không bao dung được, vậy thì cậu làm nhà văn kiểu gì?”

Thời gian cứ thế trôi đi, mình bận rộn công việc nên không liên lạc với bạn nữa. Một hôm tình cờ vào trang cá nhân của bạn, thấy những bài đăng không có nổi 100 lượt thích. Cuốn sách gần nhất được xuất bản đã từ... 5 năm trước rồi. Lần này thì mình chủ động nhắn tin hỏi thăm bạn. Và bạn nói: Bạn mệt rồi! Ảnh bạn chụp đăng lên Facebook toàn dùng filter. Sách bạn viết cũng chẳng thể hiện con người thật của bạn, đơn giản chỉ vì được số đông hưởng ứng nên mới tiếp tục phát triển theo hướng đó. Bạn yêu câu chữ, nhưng càng yêu cảm giác được số đông tán dương và ngưỡng mộ. Mọi người đến với bạn vì tài năng, nhưng rời đi vì “lệch sóng” với trái tim của bạn.

Việc làm không xuất phát từ trái tim thì không thể chạm đến trái tim. Nội tâm quá nhỏ bé. Tô vẽ bên ngoài bao nhiêu cũng chẳng ích gì cả. “Cái lõi” đã trống rỗng thì lớp vỏ có đẹp đẽ bao nhiêu cũng không quan trọng. Vun đắp xây dựng nên một hình tượng hào nhoáng, lừa mình dối người trong chốc lát, nhưng đến cuối cùng chẳng thể giữ lại được chân tình.

Thiếu đi lòng chân thành, “Đắc nhân tâm” chỉ là một cuốn sách dạy những thủ thuật đầy toan tính.

Để người khác đến với mình thì tài năng thôi là đủ, nhưng muốn họ ở lại lâu dài thì buộc phải học cách thành tâm đối đãi, lấy ra trái tim thuần khiết nhất.

Nhà đẹp, xe sang nhỏ bé quá!

Có được lòng người sẽ có cả thiên hạ.

3. Câu chuyện thứ ba:

Minh đích thị là chàng trai “con nhà người ta” trong mắt các bậc phụ huynh: Ngoại hình xán lạn, năng lực giỏi giang, thành tích học tập chưa khi nào chịu đứng thứ hai trong lớp. Năm cuối cấp ba, khi bạn bè còn đang vùi mặt vào sách vở ôn thi, Minh đã chắc suất học bổng toàn phần ở nước ngoài. Thư mời nhập học từ các trường đại học top đầu liên tiếp gửi về, chỉ chờ Minh lựa chọn. Bố mẹ tự hào về Minh lắm, xem anh như kho báu, gặp ai cũng đem con ra khoe. Họ hàng làng xóm cũng kẻ tung người hứng, không ngại dự đoán: “Mấy năm sau về nước, thằng bé nhất định sẽ trở thành một nhân tài.”

Sau khi xuất ngoại, Minh chọn một ngành học Kinh tế hợp thời, nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới. Việc học hành chưa bao giờ là thử thách đối với anh. Năm Nhất kết thúc, Minh không những được vinh danh là sinh viên xuất sắc, còn may mắn quen được một cô bạn gái xinh đẹp.

Hai người gắn bó khăng khít, kẻ xướng người họa, bù trừ mọi khiếm khuyết của nhau. Cuộc sống nơi phương trời xa êm đềm như nước chảy, không gợn chút vẩn đục. Cho đến một hôm...

Minh choàng tỉnh giấc giữa đêm, mồ hôi ướt đẫm khuôn trán. Cơn đau từ bả vai lan đi khiến một nửa cơ thể như biến thành đá cuội. Minh gắng sức nhỏm dậy nhưng nửa chừng thì bị đau đớn kéo ngược trở lại. Bất lực. Vô vọng. Nằm trong bóng tối với từng nhịp thở khó nhọc của chính mình, nước mắt Minh vô thức ứa ra. “Mình sẽ chết ư?” Anh tự hỏi, dùng một tay ghì chặt lên vai nhằm kìm nén cơn đau, không ngừng lật mình qua lại cho đến khi trời sáng.

May mắn thay, chuyện không có gì nghiêm trọng cả: Chỉ là một nhóm dây thần kinh bị chèn ép dẫn đến tổn thương tạm thời. Lúc đưa Minh tấm cao dán cùng những viên thuốc, cô dược sĩ đã nói vậy. Mình thở phào nhẹ nhõm, trở lại phòng rồi ngồi bệt xuống đất. Cơ thể vẫn ê ẩm. Anh bỏ những viên thuốc vào miệng rồi uống cạn một cốc nước đầy. Đúng lúc ấy, một câu hỏi lạ lẫm chợt lóe lên trong đầu anh:

“Nếu hôm nay là ngày cuối cùng còn sống, vậy thì cuộc đời mình suốt 20 năm qua kịp để lại dư âm gì?”

Từ bé đến lớn đều vô lo vô nghĩ, đường rộng thênh thang trải thảm hoa hồng, Minh chưa từng nghĩ tới một khả năng nằm ngoài những tiến trình vốn đã được đúc thành khuôn mẫu. Bề ngoài thì muốn gì được nấy, nhưng sâu bên trong, và nhất là sau trải nghiệm đêm qua, Minh chợt nhận ra anh chưa một lần dám dừng lại, để lắng lòng và nhìn sâu vào nội tâm mình.

Anh là ai? Anh muốn đi tới đâu? Anh thực sự khao khát điều gì? Sự hiện diện của anh mang lại ý nghĩa và giá trị gì cho những người anh yêu quý? Minh tự hỏi, chỉ để nhận về cùng một đáp án: “Mình không biết!”

Luôn luôn đứng nhất lớp. Hiểu hết những kiến thức cao siêu. Nhưng anh lại chẳng hiểu gì về bản thân mình cả. IQ cao chỉ giúp Minh giải những bài toán khó, nhưng không thể khiến anh nhận rõ trái tim mình.

Tuổi đời không tính bằng số năm, mà được đo bằng trải nghiệm. Biết vậy, Minh chủ động mở lòng với thế giới xung quanh hơn. Anh xin vào làm thêm ở một nhà hàng nhỏ, tham gia nhiều câu lạc bộ tình nguyện, tổ chức phi chính phủ dành cho sinh viên để tích lũy kinh nghiệm. Thay vì thức khuya, bây giờ Minh lựa chọn dậy sớm, mỗi ngày đều chăm chỉ đọc sách, xem phim, tập chơi guitar... Cuối tuần, bạn bè thấy Minh ôm sách vở đến lớp tiếng Nhật thì tỏ ra hiếu kỳ: “Này, bọn mình giao tiếp bằng tiếng Anh cơ mà, cậu học tiếng Nhật làm cái quái gì vậy?” Mình mỉm cười đáp: “Thế giới rộng lớn, trước khi tìm thấy bản ngã đích thực, tội gì phải gò bó và tự giới hạn bản thân? Tiếng Anh hay tiếng Nhật không quan trọng. Mấu chốt nằm ở chỗ tớ đã dám thử và dấn thân vào mọi khả năng.”

Cuối năm Hai đại học, Minh bắt đầu mày mò làm vlog kể về cuộc sống sinh hoạt ở nước ngoài. Các video được ủng hộ nhiệt tình. Người xem nhận xét Minh có cách thức truyền đạt gần gũi, lưu loát, khí chất duyên dáng tự nhiên khiến họ cảm thấy bị cuốn hút. Anh bắt đầu trò chuyện nhiều hơn với người hâm mộ, lắng nghe các vấn đề của họ và tìm cách đưa ra giải pháp hữu ích. Nhận thấy hứng thú đặc biệt với lĩnh vực khai phá tiềm năng, Minh quyết định học thêm một bằng về tâm lý, chú trọng phát triển kỹ năng giao tiếp, mỗi ngày đều tập luyện trước gương để hoàn thiện phong cách thuyết trình. Sau khi tốt nghiệp, trở về quê hương, Minh quyết định sẽ trở thành một diễn giả truyền cảm hứng.

“Diễn giả truyền cảm hứng là cái quái gì vậy?” Bạn bè thắc mắc.

“Diễn giả ư? Giống mấy gã đa cấp dạy làm giàu đó hả?” Họ hàng dị nghị.

Gia đình Minh cũng hoàn toàn phản đối. Ai lại từ bỏ con đường lớn trải thảm hoa hồng để rẽ vào lối nhỏ hoang vu cơ chứ? Thật là một hành động dại dột biết bao nhiêu! Ban đầu, Minh cứ mặc kệ tất cả. Nhưng đến một ngày, những lời bàn tán đã chất cao như tường thành, rơi xuống thành những hàng rào xung quanh anh. Nghề nghiệp mà anh trân trọng và dốc lòng theo đuổi bỗng biến thành trò cười trong những câu chuyện phiếm.

Công việc cũng không thuận lợi vì khái niệm “diễn giả” ở Việt Nam còn quá mới. Một vài trục trặc nhỏ về sức khỏe, cộng thêm người bạn gái không chịu nổi cảnh yêu xa, phũ phàng nói lời chia tay... Tất cả đã nhấn Minh chìm sâu vào bóng tối.

Trong một lần không kiểm soát được hành vi, Minh đã đập phá đồ đạc trong nhà cho tới khi kiệt sức, để rồi tỉnh lại trên giường bệnh viện. Bác sĩ kết luận anh bị trầm cảm, cần tiến hành trị liệu chuyên nghiệp. Mọi ước mơ và dự định tương lai bỗng chốc tan biến như bong bóng xà phòng.

Những viên thuốc giúp ổn định tâm trạng trên bề mặt, nhưng những vụn vỡ sâu trong lòng thì không cách nào hàn gắn được. Suốt ba năm, Minh sống vật vờ chẳng khác nào một hồn ma, từ sáng đến tối chỉ quanh quẩn trong một phạm vi hẹp. Anh nằm trong đêm, run rẩy cùng nỗi sợ ngày mai sẽ đến. Thế rồi chiếc điện thoại bỗng rung lên, màn hình bật sáng... Minh đọc tin nhắn vừa nhận được, nước mắt lã chã rơi, nhưng miệng lại vô thức hé một nụ cười...

Nhiều năm sau, hình ảnh Minh đã xuất hiện ở mục nổi bật của các trang báo điện tử. Người ta luôn miêu tả anh như một diễn giả thiên tài - Người truyền cảm hứng cho hàng triệu bạn trẻ. Những buổi workshop, giao lưu trò chuyện đông nghịt người nghe, hội trường thường không đủ sức chứa. Minh đứng trên bục sân khấu nơi ánh đèn chiếu rọi, khí chất vừa ngạo nghễ điềm nhiên, vừa khiêm nhường phóng khoáng, cảm giác không một nỗi đau nào của thế gian này đủ sức chạm đến anh.

Buổi workshop kết thúc. Cả hội trường đồng loạt đứng lên vỗ tay vang dội.

Cuối cùng là phần giao lưu với học viên tham dự. Minh liếc nhìn đồng hồ rồi từ tốn nói: “Cũng hơi muộn rồi, tôi xin phép chỉ trả lời 3 câu hỏi.”

Người thứ nhất hỏi: “Xin anh cho biết, lý do nào đưa anh đến với nghề diễn giả?”

Minh trầm ngâm giây lát, nhẹ nhàng chỉnh lại vị trí micro rồi phóng mắt xuống hội trường:

“Trong số các bạn ngồi đây, hẳn không ít người đã đi qua mưa giông bão giật. Và cũng có người là nhân tài kiệt xuất, cuộc sống êm ấm chẳng phải lo nghĩ gì. Nhưng dù các bạn có là ai, hoàn cảnh xuất thân như thế nào, thì chắc hẳn bạn đều đồng tình với tôi rằng: Tất cả chúng ta đang đi trên một con đường tuyến tính: Học hết cấp một thì phải lên cấp hai, rồi cấp ba, đại học... Tốt nghiệp xong thì ra trường đi làm, mỗi tháng nhận lương, mua những món đồ mình yêu thích. Rồi lại nghĩ cách kiếm nhiều tiền hơn để đáp ứng những nhu cầu ngày một lớn hơn. Sáng đi tối về. Quay cuồng không ngừng nghỉ. Sinh ra những đứa trẻ. Đợi những đứa trẻ lớn lên. Đợi tuổi già và bệnh tật gõ cửa, và thế là hết đời.”

“Cuộc đời các bạn giống như một vòng lặp bất tận, một câu trắc nghiệm chỉ tồn tại duy nhất đáp án A vậy. Có bao giờ các bạn bước ra khỏi cái vòng lặp đó và tự hỏi: B, C, D đang ở đâu không? Tôi trở thành tôi như hôm nay, đơn giản chỉ vì tôi đã không chấp nhận đáp án A mà cuộc sống bày sẵn, như một bát cơm bưng đến tận miệng lúc 12 giờ trưa. Tôi đã dấn thân để đi tìm B, C, D, thậm chí E, F, G... Của mình. Mọi điều tôi chia sẻ với các bạn ngày hôm nay, cũng chỉ vì muốn cuộc sống của các bạn xuất hiện nhiều hơn một lựa chọn.”

“Sống, là chủ động chọn cho mình một cách sống, chứ không phải để cuộc sống cuốn đi...”

Một người âm thầm quệt nước mắt, giơ tay xin được đặt câu hỏi thứ hai.

“Mời bạn!” Minh nói.

“Được biết anh từng có khoảng thời gian dài vật lộn với chứng trầm cảm. Không biết anh đã vượt qua bằng cách nào? Tôi cũng đang sống những ngày đen tối nhất đời mình. Liệu anh có lời khuyên nào dành cho tôi không?”

Vào lúc ấy, trong đầu Minh hiện lên một khung cảnh xa xôi: Nhiều năm trước, Minh nằm trong bóng tối không hề có đường viền, linh hồn dần dần tan rã theo tác dụng của thuốc. Thế rồi chiếc điện thoại bỗng rung lên.

Minh nhận được tin nhắn của một người hâm mộ đã dõi theo anh từ những ngày đầu tiên. Người đó nói:

“Lâu rồi không thấy anh online. Hy vọng mọi chuyện vẫn ổn. Em nhắn, chỉ vì muốn anh biết: Hôm đó em đã đứng trên thành cầu rồi, nhưng nhớ ra một câu nói của anh nên quyết định trèo xuống. Anh từng nói: Sống bao giờ cũng khó khăn hơn chết. Nên dám sống dũng cảm hơn nhiều so với dám chết. Anh mang đến động lực sống cho mọi người, vậy thì bản thân anh nhất định phải hạnh phúc nhé. Cảm ơn anh vì tất cả!”

Minh thở ra nhè nhẹ, nhìn về phía vị khán giả vừa đặt câu hỏi: “Trầm cảm xảy ra, vì chúng ta có xu hướng xem trọng cảm xúc của bản thân thái quá. Vì quá xem trọng nên dễ dàng bận lòng, dễ dàng vướng mắc vào những ưu phiền không đáng. Lời khuyên của tôi dành cho bạn là: Lẽ sống trong tim nặng như núi, nhưng cảm xúc thì hãy như mây trôi! Nhẹ nhàng đến, nhẹ nhàng đi. Không ôm giữ. Mở lòng trước mọi sự được - Mất, hơn - Thiệt, tôn trọng hoặc khinh khi... Kiên định nhưng không hề cố chấp. Một mặt không để nhịp độ của thế giới này ảnh hưởng, mặt khác lại tìm được một điểm cân bằng với lý trí. Bình tâm bước từng bước vững chắc, mới mong có ngày về tới đích.”

Câu hỏi cuối cùng: “Có rất nhiều yếu tố tạo nên sự thành công. Với cá nhân anh, đâu là yếu tố quan trọng nhất?”

Minh khẽ cười, trả lời gần như ngay lập tức:

“Trong phòng tôi có dán một câu khẩu hiệu ngay trước bàn làm việc. Không chỉ đơn thuần như một yếu tố dẫn đến thành công, đó còn là kim chỉ nam cho toàn bộ cuộc đời tôi nữa:

[Don’t be slave to your emotions] - Đừng làm nô lệ cho cảm xúc của bạn.

Khi thắng thế đôi chân không xa rời mặt đất. Lúc tuyệt vọng cũng đừng quên nhìn về phía ánh dương chiếu rọi. Hầu hết mọi bi kịch đều bắt nguồn từ việc con người không thể làm chủ cảm xúc của mình. Bỏ quên lý trí, để cảm xúc dẫn đi, nhất định cả đời sẽ thất bại. Làm chuyện gì cũng bế tắc.

Quay mặt hướng nào cũng gặp phải tường thành.

Cảm xúc là chất liệu tuyệt vời để viết nên những bản tình ca, nhưng chúng ta thì không phải ai ai cũng là nhạc sĩ. Trên đường đời, không thể để cảm xúc dẫn lối mọi lúc mọi nơi. Bắt buộc phải học cách kiểm soát nội tâm, không để ưu phiền tích tụ thành độc dược, hủy hoại cả cơ thể lẫn tinh thần. Làm những việc “nên” làm, thay vì “thích” làm. Ngừng lấy người khác làm thước đo. Hướng vào trong, thay vì hướng ra ngoài. Chậm lại một nhịp để ngắm nhìn cảnh vật. Tự mình cảm nhận. Tự mình đắm say. Không cần so bì. Không ngại va chạm. Và không chạy theo bất kỳ một tiếng gọi nào khác, ngoại trừ tiếng gọi trong trái tim mình.

Tảng đá trên vai, dừng lại một giây, đặt xuống là hết nặng. Nhưng dũng khí dừng lại và đặt xuống thì chẳng phải ai cũng có. Sau này, cứ mỗi khi chênh vênh, cần ổn định tâm trạng, tôi lại nhìn câu khẩu hiệu dán trên tường và nghĩ lại những ngày sa sút nhất đã qua. Như một căn phòng quên đóng cửa sổ trong những ngày giông bão, hơi lạnh mới tìm được đường len vào, tâm hồn nếu không được che chắn cẩn thận, tự nhiên sẽ xuất hiện khoảng trống để nỗi buồn xâm chiếm.

Trái đất rộng lớn. Vũ trụ mênh mông. Thành cũng thế mà bại cũng vậy.

Hào quang muôn trượng không cao hơn được núi. Lợi ích tích góp không lớn hơn được trời. Đứng trước cuộc đời, chúng ta đều bé nhỏ. Nên chẳng tội gì phải nặng lòng tính toán, so đo. Trước mỗi thời khắc nóng giận, phẫn nộ, tuyệt vọng đến chìm đắm... Hãy tự hỏi bản thân hai câu hỏi:

1. Chuyện ngày có thực sự quan trọng, có đáng để mình bận lòng không?

2. Giả sử mình phản ứng lại, kết quả có vì vậy mà thay đổi không?

Chuyện nhỏ, bỏ qua. Chuyện lớn nhưng không thay đổi được, cũng tạm thời để đó. Dù gặp phải hoàn cảnh nào, tâm trạng có suy sụp ra sao, cũng buộc phải gắng gượng, nỗ lực tìm lại điểm cân bằng của nội tâm. Đầu óc thông suốt, đường đi mới bằng phẳng. Nếu buộc phải thất bại, hãy thất bại vì khả năng chưa tới, chứ đừng sợ hãi đến mức chẳng dám nhấc chân lên, hoặc hèn nhát bỏ cuộc giữa chừng.

Làm chủ cảm xúc là bước đầu tiên, cũng là bước quan trọng nhất để làm chủ cả cuộc đời.”

Mình đã dứt lời, cả hội trường vẫn nín lặng. Rồi những tràng pháo tay vang lên như xé rách bầu khí quyển.

Trước khi ra về, mình nói thêm một câu: “Tôi biết các bạn vô cùng phấn khích với những gì tôi chia sẻ hôm nay. Nhưng ngay lúc này, xin đừng để cảm xúc lấn át. Cũng đừng tin lời tôi một cách mù quáng. Hãy xem tất cả như ý kiến tham khảo thôi. Giữ lại một vài điều phù hợp với bản thân, đồng thời bỏ qua phần còn lại. Biết đâu đấy, một nhạc sĩ cần phải trải qua đôi lần tan nát, cảm xúc bột phát thì mới viết được những bản tình ca. Điều tuyệt đối nhất trên đời là chẳng có gì tuyệt đối cả. Tất cả nằm ở lựa chọn của mỗi người.”

st: Lê Công 

 


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

LÊ CÔNG

0919.168.366

PHÚC THÀNH

0369.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 12, Trực Cát , Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng

Tel: 0919.168.366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/