Lời hay ý đẹp
15/07/2022 - 3:48 PM"Trí thức là gì? 169 Lượt xem

"Trí thức là gì?

Gần đây, có lẽ vì thất vọng trong sự chạy theo triết lý duy tâm của Âu-Tây, thanh niên lại quay về nghiên cứu tư tưởng phương Đông. Chúng ta tìm hiểu Nho giáo, Mặc giáo, Lão giáo, Phật giáo, Vương Dương Minh, Tagore... Chúng ta muốn dùng cái trực giác phi thường của nhà đạo học để đạt chân lý! Thì đây, một kết quả rõ rệt:

"Trí thức là gì? Thế nào là kẻ trí thức? Làm sao tới được trí thức?..."

"Trí thức: gốc cây đa, đầy nhựa thó, hút nhận nhạc của đất trời, để trổ sinh bao điều thắm tươi, những bông sáng tạo dâng lên bàn thờ Đạo lý lẽ sống trong đời."

"Cuộc sáng tạo đầu tiên của bậc trí thức là: tự tạo. Tự tạo trong một tiếng trúc-ty, trong một giây cảm hứng. Tự tạo trong một đợt tình trác tuyệt, khi hồn tan trên một nét anh đào. Tự tạo trong một thể "nhập thiền", trong một "đường thánh giá". Tự tạo trong một ngọn cỏ đùa, trong một cành hoa nắng rỡn, trong một bức tranh, trong một ngọn tháp, trong một niềm vĩnh biệt cũng như trong một phút lâm chung!"

(Trích Xuân Thu nhã tập)

Thật là cả một bài thơ gọt giũa và du dương để mô tả cái cảnh hỗn độn, mờ tối, ẩm thấp của những tinh thần ốm yếu, rã rời. Có thể nói đó là một quái thai của thời đại trong phạm vi trí thức.

Chúng ta đã điểm qua mấy thứ tinh thần của mấy bọn nho sĩ. Những thứ tinh thần ấy, tuy có khác nhau ít nhiều trong chi tiết nhưng vẫn có hai đặc tính chung: hư và nguỵ.

Hư là không căn cứ vào sự thật, không có thật. Tinh thần nho sĩ không chiếu thẳng vào thực tế. Giác quan nho sĩ không nhận đúng chân tướng của sự vật. Trí não nho sĩ tạo ra những ảo tưởng để nâng đỡ, an ủi cái tinh thần bạc nhược của nho sĩ.

Ngụy là làm sai sự thật, là lập luận một cách cố chấp theo cái sở thích riêng của mình, không kể gì đến ngoại vật. Nho sĩ đã nhìn sai, lại suy luận một cách quay quắt, cố tình tạo ra một hệ thống tư tưởng để che đậy tâm trạng mình, để chống đỡ địa vị mình.

Óc hư nguỵ là tinh thần chủ quan của nho sĩ. Kể về mê tín thì nho sĩ cũng mê tín như người nhà quê vô học, không phải mê tín thần thánh, nhưng mê tín những lý, những khí, những thái cực, những lẽ chí thiện, những hình ảnh mỹ miều, mộng ảo, những lý thuyết siêu hình không tưởng... toàn là những điều không thể quan sát kiểm điểm, chứng nghiệm được.

Kể về thực dụng, thì óc nho sĩ lại kém tinh thần thô sơ của người làm ruộng. Vì người này tiếp xúc thẳng với sự vật, biết rõ những hiện tượng quanh mình, và dám làm theo những điều mình biết.

Nho sĩ, trái lại, nhiều khi không dám làm theo điều mình nghĩ, không dám thực hành điều mình đã học. Chính vì thế mà "ở xứ ta, những người gọi là hay chữ lại ngu dốt và những người nhà quê vô học lại có kiến thức." (Đặng P. Thông, trong tập La Culture, tr. 7)

Nguyên nhân tình trạng ấy ở đâu?

Ngày xưa thì rất dễ hiểu. Nho sĩ chỉ là một bọn ăn không ngồi rồi, sống trên lưng những người làm ruộng, và đi phụng sự những kẻ mạnh để giữ nguyên địa vị an nhàn.

Gia dĩ, nền tảng xã hội nông nghiệp của ta trải qua bao nhiêu thế kỷ không thay đổi, nên thế lực nho sĩ vẫn tồn tại. Một mặt khác, chế độ khoa cử là một cách lung lạc nho sĩ rất thần diệu.

"Người nào có lọt được vào vòng khoa danh thì mới được ra làm quan phò vua giúp nước, và được tham gia vào sĩ phiệt, còn ngoài ra, dù thiên tài lỗi lạc đến thế nào cũng không thể thi thố vào đâu. Muốn lọt vào vòng khoa danh thì phải theo đúng những điều hạn chế của chế độ khoa cử ấy, tức nghị luận không được trái với Trình Chu, và làm văn phải theo thể thức bác cổ, đó là không kể bao nhiêu điều bó buộc khác mà người ta gọi chung là trường quy. Bởi vậy, kẻ sĩ phu chỉ cần học thuộc lòng mấy bộ sách Tứ Thư Đại Toàn, Ngũ Kinh Đại Toàn, Tính Lý Đại Toàn chứ không cần học thêm gì nữa. Đến khi làm văn thì sẵn tư tưởng trong sách rồi, kẻ sĩ phu chỉ cần lựa những chữ sáo cho xứng, đặt những câu cho đối, hễ đọc lên nghe kêu mà không trái với nghĩa sách là được, chứ không cần có tư tưởng chính xác. Người nào có khiếu lỗi lạc, dám nghị luận theo tư tưởng của mình, hoặc dựa theo nhà khác mà nghị luận sai với Trình Chu thì bị kết cái án tà thuyết, tà đạo mà phải hỏng. Bởi vậy, văn chương của các bậc khoa danh nước ta xưa đều là văn chương có vỏ mà không có ruột, thật khó tìm cho ra một áng văn có tư tưởng chính xác và cảm tình chân thực. (Đào Duy Anh, Khổng Giáo phê bình, trang 120).

Còn ngày nay, chúng ta đã tiếp xúc với văn minh khoa học Âu châu trong hơn nửa thế kỷ và sự sinh hoạt xã hội cũng đã thay đổi ít nhiều, vậy mà sao bọn tân nho chúng ta bây giờ cũng không tiến hóa biến đổi? Một nguyên nhân chính cũng là ở sự học để đi thi. Nếu ngày xưa có những sách để học thuộc lòng thì giờ cũng thế. Ở chương trình thi Tú Tài cũng có những sách trích yếu về văn học, triết học, vật lý học, hóa học... Phần nhiều học sinh ta chỉ cốt học thuộc mấy quyển sách trích yếu ấy để làm bài thi hoặc để trả lời cho xuôi trong lúc vấn đáp. Cái học ấy làm cho trí não cằn cỗi, làm cho ta ghét sự học, và nhất là làm cho ta ngộ nhận văn hóa Tây phương là một thứ văn hóa rất linh động, rất phiền tạp, rất rộng rãi.

Cái văn hóa này chỉ có những người khi được trực tiếp với cách tổ chức công nghệ mới, hoặc trực tiếp với các nhà khoa học Âu châu, mới nhiễm được ít nhiều, đó là là những phần tử cấp tiến nhất trong xã hội về phương diện trí thức.

Sang chương sau, chúng ta sẽ nghiên cứu cái tinh thần của những người may mắn này.

(trích Óc khoa học - Phạm Ngọc Khuê)

_________

Cuốn sách này chỉ trích Nho sĩ (cả cựu nho lẫn tân nho) và giáo dục khá gay gắt, trên đây chỉ là một đoạn ngắn.

 


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

Lê Công

0369.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt
Lời hay ý đẹp
TIN NỔI BẬT

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 31 - Mương An Kim Hải - Kenh Dương, Le Chan, Hai Phong

Tel: 0369168366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/