Kinh Dịch
15/08/2020 - 4:10 PMLê Công 1096 Lượt xem

QUẺ SỐ 5 :    |||:|: Thủy Thiên Nhu (需 xū)

Quẻ Thủy Thiên Nhu, còn gọi là quẻ Nhu (需 xu1).

* Nội quái là ☰ (||| 乾 qian2) Càn hay Trời (天).

* Ngoại quái là ☵ (:|: 坎 kan3) Khảm hay Nước (水).

 QUẺ SỐ 5 :    |||:|: Thủy Thiên Nhu (需 xū)

QUẺ SỐ 5 :    |||:|: Thủy Thiên Nhu (需 xū) 

Khảm trên; Kiền dưới

 Quẻ này là quẻ Thủy Thiên Nhu. Ba nét dưới là quẻ Càn, là Càn hạ, cùng là Nội Càn. Ba nét trên là quẻ Khảm, là Khảm thượng, cũng là Ngoại Khảm. Khảm tượng Thủy, Càn tượng Thiên nên tên quẻ đọc bằng Thủy Thiên Nhu.

 TỰ QUÁI

 Tự Quái: Mông giả mông dã, vật chi trĩ dã; vật trĩ bất khả bất dưỡng dã, cố thụ chi dĩ Nhu. Nhu già ẩm thực chi đạo dã. 序卦: 蒙者蒙也, 物之穉也; 物穉不可不養也, 故受之以需. 需者飲食之道也.

 Ý sắp đặt thứ tự quẻ. Sau quẻ Mông tiếp lấy quẻ Nhu là vì cớ sao? Bởi vì Mông là giống vật thơ, vật còn thơ yếu tất cần phải nuôi, mà nuôi cần nhất là ăn uống.

Nhu nghĩa là những việc cung cấp ăn uống; sách Xã Hội có câu: Các tận sở năng, các thủ sở nhu 各盡所能, 各取所需, cũng như chữ Nhu ấy. Vì có đạo ăn uống mới nuôi được sống. Vậy nên sau quẻ Mông tiếp lấy quẻ Nhu.

 PHỤ CHÚ: Chính nghĩa chữ Nhu có ba nghĩa: 1) Do dự rù rờ, sách Tả Truyện có câu: “Nhu giả sự chi tặc” nghĩa là: Do dự rù rờ rất làm hại cho việc; 2) Cần thiết, mà những giống cần thiết ở trong loài người, không chi bằng đồ ăn uống, Tự Quái có câu: “Nhu giả ẩm thực chi đạo đã” nghĩa là: Nhu là cái đạo ăn uống; 3) Đợi chờ. Chữ Nhu có ba nghĩa như trên kể, như theo ý nghĩa tự quái ở đây, thời chỉ lấy nghĩa Nhu là ăn uống. Vì muốn nuôi người Mông, trước cần phải có đồ ăn uống.

Sách Luận Ngữ có lời: Tiên phú nhi hậu giáo 先富而後教, cũng là nghĩa ấy.

 SOÁN TỪ

 Nhu, hữu phu, quang hanh, trinh, cát, lợi thiệp đại xuyên. 需, 有孚, 光, 亨, 貞, 吉, 利涉大川.

 Soán từ quẻ này, lấy thể quẻ thích nghĩa tên quẻ, chỉ lấy nghĩa Nhu là chờ đợi.

Xem thể nội ngoại trong quẻ, Nội Càn là cương kiện, Ngoại Khảm là hiểm hãm. Càn kiện mà đụng lấy hiểm, dầu muốn thượng tiến, nhưng cũng phải chờ đợi, nên đặt tên quẻ bằng Nhu.

Lại xem các hào ở trong quẻ, tốt nhất là Cửu Ngũ, dương cương, trung chính lại ở ngôi tôn, vả Ngũ lại làm chủ cho quẻ Nhu, vì rằng quẻ này nếu không Cửu Ngũ thời Ngoại Quái thành ra ngoại Khôn, không thể thành được quẻ Nhu; vì có Cửu Ngũ thay vào mà thành ra Khảm, mới thành ra quẻ Thủy Thiên Nhu.

Có đức cương kiện, trung chính là có đức thành thực bên trong. Đức thành thực đầy đủ ở bên trong thời đến khi phát hiện ra bên ngoài tất nhiên quang minh mà thông thái. Sách Trung Dung có câu: Thành tắc hình, hình tắc trứ, trứ tắc minh 誠則形, 形則著, 著則明, chính là hữu phu quang hanh đó vậy.

Hữu phu nghĩa là thành thực. Vì có đức hữu phu thời chẳng những quang hanh mà thôi, mà làm việc gì tất cũng trinh chính, kiên cố mà được tốt lành.

Thích tóm lại, hữu phu là tạo nhân kết quả; quang hanh, trinh, cát là tạo nhân kết quả được như thế là nhờ có đức cương kiện, trung chính. Người ta nếu có đức cương kiện, trung chính như Cửu Ngũ quẻ Nhu thời chẳng những khi bình thường vô sự mà hanh, nếu gặp lúc hiểm trở gian nan cũng cán toàn được thong thả, vậy nên Soán từ có câu: Lị thiệp đại xuyên.

Thiệp là qua; đại xuyên là sông lớn, là thí dụ việc nguy hiểm, gặp lúc nguy hiểm mà xử trí được như thường là lị.

 PHỤ CHÚ: Đọc Soán từ quẻ này nên nhận kĩ chữ hữu phu, chữ trinh, xử vào thời đại Nhu là việc gì cũng còn đương chờ đợi, họa phúc thành bại quan hệ ở lúc ấy, tất phải có đức thành tín làm căn bản, có đức trinh chính làm cơ sở thời cơ hội mà mình chờ đợi đó mới là cơ hội tốt, tiến hành mới thuận tiện.

Nói tóm lại, nhu là khi tâm ở trong chốc phút mình còn chờ đợi, hữu phu, trinh là chứa sẵn khi bình nhật. Ví như toan qua sông lớn, còn phải chờ gặp thuyền là nhu, có tiền sẵn trong lưng để trả tiền đó là hữu phu, đón cho nhằm bến lên cho nhằm thuyền là trinh, qua được sông, lên được bờ là cát. Câu lị thiệp đại xuyên thủ tượng rất tinh diệu.

 SOÁN TRUYỆN

 Soán viết: Nhu, tu dã, hiểm tại tiền dã, cương kiện nhi bất hãm, kì nghĩa bất khốn cùng hĩ. Nhu hữu phu quang, hanh, trinh cát, vị hồ thiên vị, dĩ chính trung dã. lị thiệp đại xuyên, vãng hữu công dã.

彖曰: 需須也, 險在前也, 剛健而不陷, 其義不困窮矣. 需有孚, 光, 貞, 吉, 位乎天位, 以正中也. 利涉大川, 往有功也.

 Soán viết: Nhu, tu dã, hiểm tại tiền dã, cương kiện nhi bất hãm, kì nghĩa bất khốn cùng hĩ.

 Soán Truyện lấy đức quẻ, thích nghĩa tên quẻ. Đặt tên bằng quẻ Nhu nghĩa là chờ đợi. Chữ tu cũng là nghĩa chờ đợi. Vì quẻ này Khảm ở trên Càn, là trước mặt có đám hiểm, đụng lấy hiểm, chưa tiến được liền, tất phải chờ đợi, vì biết chờ đợi, chính là trí khôn “thẩm thì đạc thế”, chờ gặp dịp mới lên. Tuy tính Càn cương kiện, mà chẳng bao giờ sụp vào Khảm hiểm (Hãm nghĩa là sụp).

Khổng Tử thấy có đức dũng, mà lại đủ đức trí như thế nên lại tán thêm một câu rằng: Người xử thế mà được như nghĩa quẻ Nhu, thời chắc chẳng bao giờ khốn cùng.

 PHỤ CHÚ: Cương kiện vẫn là một tính tốt, nhưng đã cương kiện thời thường hay nhuệ tấn cảm vi, nhiều lúc bị nguy hiểm ở trước mặt mình, mà cũng táo tiến, vọng động, chẳng sao tránh khỏi hiểm. Vì thế nên thánh nhân đặt ra quẻ Nhu.

Nhu nghĩa là nín nhịn mà chờ đợi. Tỉ như đụng lấy một việc gì, chỉ nín nhịn được năm phút đồng hồ, thời tối hậu là quyết thắng. Vì mình không nín nhịn nổi, trước khi hết năm phút đồng hồ đã vội làm ngay, té ra mắc tội dục tốc bất đạt.

Kinh Dịch nói rằng: Cương kiện nhi bất hãm, chính là khôn khéo ở chốn ấy.

Kinh Thư có câu Lự thiện dĩ động, động duy quyết thì 慮善以動, 動惟厥时nghĩa là tính toán cho thiệt lành mà sau mới động, động thời đúng với thì, chính là nghĩa quẻ Nhu đó vậy.

 Nhu hữu phu, quang hanh, trinh cát, vị hồ thiên vị, dĩ chính trung dã.

 Đây là lấy thể quẻ, thích nghĩa Soán từ. Soán từ sở dĩ nói rằng: Nhu, hữu phu, quang hanh, trinh cát là chỉ vào Cửu Ngũ với Cửu Nhị. Cửu Ngũ ở vào vị chí tôn là vào ngôi trời mà lại có đức chính trung để ứng với Cửu Nhị. Cửu Nhị cũng có đức trung, mà ứng với Cửu Ngũ. Vì vậy nên được Soán từ tốt như thế.

 PHỤ CHÚ: Nghĩa quẻ Nhu có hai phương diện: Một phương diện là mình phải chờ đợi người, tức là nhu nhân, tỉ như Cửu Nhị phải nhu Cửu Ngũ. Lại một phương diện là mình có thế lực, tài đức, mà người cần phải chờ mình, tỉ như Cửu Ngũ ở quẻ Nhu này. Đại phàm việc quốc gia, xã hội, đụng phải thời đại Nhu tất phải đủ hai phương diện ấy, nên Hán văn có câu: Tương nhu thậm ân 相需甚殷, nghĩa là chờ đợi nhau rất mật thiết.

 Lị thiệp đại xuyênvãng hữu công dã.

 Quái từ sở dĩ có câu lị thiệp đại xuyên, nghĩa là đã hữu phu mà lại trinh chính, vả có trí khôn biết cách Nhu thời đầu trải qua hiểm trở bao nhiêu cũng chắc thành công.

 ĐẠI TƯỢNG TRUYỆN

 Tượng viết: Vân thượng ư thiên, Nhu, quân từ dĩ ẩm thực yến lạc. 象曰: 雲上於天, 需. 君子以飲食宴樂.

 Quẻ này Nội Càn là tượng trời, Ngoại Khảm là tượng mây, dưới Càn, trên Khảm là tượng mây ùn lên tột trời. Mây đã ùn lên tột trời, chắc rày mai cũng mưa, chỉ tranh nhau thì giờ chút đỉnh, phải chờ đợi mà thôi. Vậy nên đặt tên quẻ bằng Nhu.

Quân tử ở vào thời đại ấy thời những việc đã sắp đặt sẵn sàng rồi, không nên làm rối thêm nữa, chỉ nên: một phương diện thời nuôi thân thể cho bạo mạnh, tượng bằng ẩm thực. Một phương diện thời nuôi tâm chí cho hòa bình, tượng bằng yến lạc.

Vì thì đã sắp đến nơi, nếu vội vàng biến động, e lỡ hỏng việc, chỉ duy lặng lẽ êm đềm chờ thì đến, nên Tượng Truyện nói rằng: Quân tử dĩ ẩm thực yến lạc.

 PHỤ CHÚ: Lời Tượng Truyện đây chúng ta nên nghiên cứu lấy ý, chớ nên câu nệ ở lời. Rằng ẩm thực, há phải say mê rượu chè đâu! Rằng yến lạc, há phải hát xướng chơi bời đâu. Bởi vì Nhu chỉ [là] chờ đợi chốc lát thôi. Nhưng trước khi chờ đợi đó vẫn đã sắp đặt sẵn sàng, chứa trữ đầy đủ. Duy thì giờ chưa đến thời chưa động tác được. Vậy ở trong thì giờ chờ đợi đó chỉ nuôi thể xác cũ cho mạnh thêm, giữ tinh thần cũ cho sung túc thêm, tượng như ẩm thực yến lạc. Thầy Mạnh Tử bàn dưỡng khí mà răn người ta rằng vật trợ trưởng 勿助長, nghĩa là chớ miễn cưỡng sinh sự giúp làm cho nó mau lớn, chính là nghĩa Tượng Truyện quẻ Nhu vậy.

Chúng ta lại phải biết, sở dĩ ẩm thực yến lạc mà nên được Nhu là nhờ có tư cơ trí tuệ đã sẵn đủ trước khi chưa Nhu. Đến lúc Nhu thời chỉ chờ thời thế nữa mà thôi.

Nếu bình thì mà không dự bị gì thời không gọi bằng Nhu được. Nếu lâm thì mà táo tiến vọng động, thời hỏng cả Nhu. Hễ trúng lấy một tệ ấy, thời không đúng với nghĩa Tượng Truyện.

 HÀO TỪ VÀ TIỂU TƯỢNG TRUYỆN

Sơ Cửu: Nhu vu giao, lị dụng hằng, vô cựu.初九: 需于郊, 利用恒, 無咎.

 [Về] địa vị các hào ở quẻ Nhu, thời Ngoại Khảm là hiểm, vì gặp hiểm nên phải Nhu.

Sơ Cửu vẫn có tài cương minh là hạng người tri tiến, tri thoái, lại ở vào địa vị Nhu Sơ, cách Ngoại Khảm còn xa (Khảm là chốn hiểm). Sơ cách hiểm còn xa nên trong thì giờ chờ đợi, Sơ chỉ đứng ngoài xa, tượng như chờ đợi ở chốn giao vậy (Giao nghĩa là chốn đất xa ở ngoài quốc thành). Nhưng vì Sơ là tính dương cương, dương cương thời ham tiến, sợ không giữ được thái độ thường chăng nên Hào từ răn rằng: Lị dụng hằng, vô cựuHằng nghĩa là thường; lị dụng hằng nghĩa là nên giữ thái độ thường, chớ thấy mình xa hiểm mà vội vàng khinh tiến, vậy mới được vô cựu.

 Tượng viết: Nhu vu giao, bất phạm nạn hành dã, lị dụng hằng, vô cựu, vị thất thường dã. 象曰: 需于郊, 不犯難行也, 利用恒, 無咎, 未失常也.

 Thích Hào từ nói rằng: Chờ đợi ở chốn giao là vì thì giờ mình chưa nên xông hiểm nạn mà đi vậy, đã đành biết thì giờ mình còn nên chờ đợi, nhưng phải tâm chí cho kiên định, chớ để mất thường độ của mình, có thế mới khỏi tội lỗi.

Cửu Nhị: Nhu vu sa, tiểu hữu ngôn, chung cát.九二: 需于沙, 小有言, 終吉.

 Cửu Nhị cách hiểm đã gần, chỉ vượt qua Cửu Tam tức là vào Khảm hiểm, tượng như đứng ở bãi cát, đã bức cận nước sông. Địa vị Cửu Nhị như thế nên Hào từ nói rằng: Nhu vu sa (Sa là bãi cát). Thế thời Cửu Nhị e sụp vào hiểm chăng? Không, không. Bởi vì Cửu Nhị là dương cương ở vào vị nhu lại đắc trung, dương cương mà đắc trung là người thiệp thế rất khôn khéo, tuy địa vị gần hiểm mặc lòng nhưng chắc cũng biết lựa thì rồi mới tiến, không đến nỗi vấp vào hoạn nạn đâu, dầu có tổn hại chút đỉnh cũng chẳng qua khẩu thiệt mọn mằn mà thôi. Kết quả thời một vị nhân tài cương trung như Cửu Nhị, cuối cùng chắc cũng được tốt lành.

 Tượng viết: Nhu vu sa, diễn tại trung dã, tuy tiểu hữu ngôn, dĩ chung cát dã. 象曰: 需于沙, 衍在中也, 雖小亨言, 以終吉也.

 Diễn nghĩa là thung dung khoan khoái. Diễn tại trung nghĩa là sở dĩ thung dung khoan khoái, cốt vì có đức trung vậy. Vì có đức trung, mà xử vào thời đại Nhu nên không tai hại đến mình, tuy có chút khẩu thiệt chi thương, mà cứ giữ lấy đức trung cho đến cuối cùng thời vẫn không thất bại.

 PHỤ CHÚ: Chữ trung ở hào này với chữ chính trung ở Soán Truyện là phương châm rất tốt cho người ở đời, mà ở vào thời đại Nhu lại càng hay lắm. Bây giờ xin giải thích cho rõ nghĩa chữ trung: Trung là nghĩa vừa cân, ý như trung là giữa, lại nghĩa là vừa đúng như chữ trúng là nhằm, vẫn nhiệt tâm mà không quá nóng, vẫn trầm tĩnh mà không quá nguội, vẫn thẩm thận mà không phải hồ nghi, vẫn thung dung mà không phải là chậm trễ. Thì chưa đến, ai dắt mấy ta cũng không đi; thì đến rồi, ai kéo lại ta cũng cố tới, đủ các phương diện ấy chính là đúng nghĩa chữ trung, mà xử về thời đại Nhu thì không gì hay hơn nữa. Vì vậy nên truyện Soán từ, tượng hào Cửu Nhị đều có chữ trung nên thảy được chữ cát.

Cửu Tam: Nhu vu nê, trí khấu chí.九三: 需于泥, 至寇至.

 Cửu Tam này bức cận Khảm hiểm, tượng như người qua sông, tuy chưa sụp xuống nước nhưng đã bén chân vào giữa bùn. Đã đến hồi đó, không còn gì nhu được, chẳng bao lâu, sụp vào chốn hiểm, thành ra tự mình đem giặc đến mà làm hại mình.

Vậy nên Hào từ nói rằng: Nhu vu nê, trí khấu chí. Nê nghĩa là vũng bùn; trí nghĩa là đem dắt; khấu nghĩa là giặc; trí khấu chí nghĩa là tự đem tai hại vào thân. Hào từ này rất xấu ở trong quẻ, tuy cũng là hoàn cảnh bất buộc như thế, như không phải tội tại hoàn cảnh mà là tội tại bản thân Cửu Tam này. Cửu với Tam đều là dương cương, mà lại bất trung, lại ở vào địa vị trên hết Nội Càn là cương chi cực, thiệt là cương táo đạt cực điểm, tất nhiên hay động càn chạy bậy, không sụp hiểm không thôi, đến nỗi tai hại vào thân Tam là do Tam tự thủ. Sách Binh Thư có câu: Tất tử khả lục, nghĩa là: Những người cố liều chết, tất nhiên bị giặc giết, chính là đúng với Cửu Tam này. Vậy nên Hào từ có câu: Trí khấu chí.

 Tượng viết: Nhu vu nê, tai tại ngoại dã, tự ngã trí khấu, kính thận bất bại dã. 象曰: 需于泥, 災在外也, 自我致寇, 敬慎不敗也.

 Tượng Truyện lại bổ túc ý Hào từ, phát minh cho chúng ta một đạo lí mà dạy rằng: Cửu Tam tuy bức cận với hiểm, nhưng Khảm hiểm còn ở Ngoại Quái. Thế là người làm tai hại mình, còn ở phía ngoài. Nếu mình biết kính thận kĩ càng, lựa đúng thì mà tiến thối, cũng có thể tránh được tai vạ. Cửu Tam thời trái thế, vì cương cấp thái quá, đi đứng không lựa đường, nhắm mắt đi liều, đến nỗi phải sụp vào hiểm hãm, thế là tự mình đem tai họa tới mình. Nếu Tam trước biết cẩn thận, thời cũng chẳng thất bại.

Nghĩa chữ kính, chữ thận có khác nhau chút đỉnh. Kính là tính nết cung kính ở khi thường; thận là thẩm thận ở khi lâm sự.

Khổng Tử có câu: Lâm sự nhi cụ 臨事而懼 nghĩa là lâm đến việc mà có ý sợ, chính là nghĩa chữ thận.

Lục Tứ: Nhu vu huyết, xuất tự huyệt.六四: 需于血, 出自穴.

 Hào này đã bước vào thể Khảm, ấy là thân mình đã sụp vào giữa chốn hiểm, tượng như đã gieo thân vào vùng lưu huyết, xử ở thời đại Nhu mà đến thế thành ra chờ đợi ở giữa vùng hiểm nạn, theo như hoàn cảnh hào này, thiệt đáng ghê gớm, nên nói rằng: Nhu vu huyết.

Huyết nghĩa là máu là chốn ghê gớm, nhưng vì Lục Tứ mà âm nhu, âm hào ở âm vị là đắc chính, âm nhu đắc chính mà xử vào thời đại Nhu, còn có thể tìm được phương pháp thiện hậu. Vậy nên, lúc trước tuy xử vào vùng nguy hiểm mà cuối cùng may cũng thoát khỏi vùng ấy. Huyệt nghĩa là bộng (lỗ), ở từ trong huyệt thoát ra, tượng là thoát khỏi vùng nguy hiểm.

 Tượng viết: Nhu vu huyết, thuận dĩ thính dã. 象曰: 需于血, 順以聽也.

 Hào từ đã nói nhu vu huyết, thời đã là không thể thoát được hoạn nạn, nhưng cớ sao lại nói xuất tự huyệt? Bới vì, Lục Tứ này tính chất thuần Nhu, chỉ biết một mực nhu thuận, mà nghe trời sắp đặt cho mình vậy nên cũng chẳng đến nỗi hung họa.

Cửu Ngũ: Nhu vu tửu tự, trinh cát.九五: 需于酒食, 貞吉.

 Cửu là hào dương, mà Ngũ cũng vị dương, Dương cư dương vị là đắc chính, lại ở giữa Ngoại Quái là đắc trung; một bậc dương cương, trung chính như thế, mà lại ở được ngôi chí tôn làm nguyên thủ trong một nước. Có đức này, có vị này, lại gặp thời đại Nhu, tượng là người truyền quốc ai nấy cũng trông mong chờ đợi vào người ấy.

Lấy đức một bậc thánh nhân, ở vị thánh nhân, tất nhiên thỏa thích được nguyện vọng trong thiên hạ, tượng như chờ đợi ở giữa trường khoái lạc.

Tửu tự nghĩa là ăn no uống say, ý là ai nấy cũng được vui vẻ hạnh phúc. Kinh Thi có câu: Ký túy dĩ tửu, ký bảo dĩ đức, nghĩa là đã lấy rượu cho chúng ta say, lại lấy đức cho chúng ta no, chính là tượng hào này.

Tuy nhiên, họa thường sinh ở chốn phúc, vả lạc cực thường hay sinh bi, thánh nhân sợ người đời xử vào thời đại an lạc hay nảy ra mầm bất chính nên lại có lời răn rằng: Trinh, cát, nghĩa là tuy được cảnh hạnh phúc, nhưng phải lo bền giữ đức trung chính, thời hạnh phúc mới được lâu dài. Thế là cát.

 Tượng viết: Tửu tự, trinh cát, dĩ trung chính dã.

象曰: 酒食貞吉, 以中正也.

 Chữ trung chính ở Tượng Truyện đây có ý nói chung Cửu Ngũ với Cửu Nhị; Cửu Ngũ có đức trung chính, Cửu Nhị có đức cương trung, minh quân hiền thần chung nhau làm sự nghiệp Nhu, dắt thiên hạ lên vũ đài hạnh phúc nên Hào từ nói rằng: Nhu vu tửu tự, trinh, cát.

Thượng Lục: Nhập vu huyệt, hữu bất tốc chi khách, tam nhân lai, kính chi, chung cát.上九: 入于穴, 有不速之客, 三人來, 敬之, 終吉.

 Thượng Lục này đã âm nhu mà lại ở vào địa vị Khảm hiểm chi chung. Theo hoàn cảnh có lẽ hiểm cực, mà đến nỗi không đường lên, vả lại hào âm ở trên, e cũng dễ sụp vào giữa hiểm, tượng như rớt vào giữa hang.

Nhưng Dịch lí biến hóa vô cùng, không chấp nhất như các hào, mà cốt yếu nhất là thức thì, Thượng Lục ở về cuối cùng thì Nhu tượng là thì tiết chờ đợi, bây giờ đã đến nơi rồi, bản thân Thượng Lục tuy âm nhu, nhưng chính ứng với Cửu Tam, Cửu Tam có đồng đảng là Sơ Cửu. Cửu Nhị tất thảy là bạn dương cương, họ nghe thì Nhu đã đến, họ hùa nhau kéo lên, tới hào cuối cùng dụng Thượng Lục, Thượng Lục nguyên sẵn tính nhu thuận, lấy chính ứng của mình là Cửu Tam, mà bạn Cữu Tam có hai người nữa, thình lình đến trước mặt mình. Vì Thượng Lục nhu thuận nên hết sức hoan nghênh, được nhiều bạn thần thế kéo dắt mình, chẳng những kéo mình đã ra khỏi vùng hiểm nạn, mà cuối cùng mình lại được hưởng một phần sung sướng ở đời Nhu vậy. (Khách tam nhân chỉ vào ba hào dương ở Hạ Quái; bất tốc nghĩa là chẳng mời; kính chi nghĩa là kính rước lấy ba người khách ấy).

 Tượng viết: Bất tốc chi khách lai, kính chi, chung cát, tuy bất đáng vị, vị đại thất dã. 象曰: 不速之客來, 敬之終吉, 雖不當位, 未大失也.

 Thượng Lục tuy âm nhu, mà lên ở vị cao tột, tuy hào không xứng vị nhưng biết khiêm tốn tự trì, kính trọng lấy những bạn dương cương, cũng chưa đến nỗi thất bại lớn vậy, nên Hào từ nói rằng: Bất tốc chi khách lai, kính chi, chung cát.

Chữ vị ở tượng từ này, khác chữ vị ở mọi nơi. Chữ vị ở mọi nơi là âm, dương chi vị. Nếu theo nghĩa chữ ấy, thời hào này âm cư âm vị, không nói bất đáng vị được. Duy lấy nghĩa bằng vị trên, vị dưới, thời âm nhu mà ở vị cao, ấy là bất đáng vị.

 PHỤ CHÚ: Đọc suốt hết sáu Hào từ quẻ Nhu này, càng biết được đạo biến hóa ở trong Dịch lí. Nguyên tượng quẻ này chỉ tượng là chờ đợi, mà sở dĩ phải chờ đợi là vì Khảm hiểm bức ở trước mặt ngoài nên Sơ Cửu xa Khảm, thời nói Nhu vu giao; Cửu Nhị đã gần Khảm thời nói Nhu vu sa; Cửu Tam bức cận Khảm thời nói Nhu vu nê; Lục Tứ bắt đầu bước vào Khảm, thời có chữ huyết, chữ huyệt; Thượng Lục ở trên hết quẻ Khảm, thời nói Nhập vu huyệt. Thế thời suốt cả năm hào, thì tuy vẫn gần Khảm, xa Khảm khác nhau, mà hào nào cũng cay co vì Khảm. Cớ sao Cửu Ngũ là chính giữa Khảm, theo thông lệ của mỗi hào thì Cửu Ngũ đáng lẽ chôn vào bộng Khảm mà Hào từ lại nói: Nhu vu tửu tự, tửu tự ngó ra một cách rất thái bình là ý làm sao? Chúng ta nghiên cứu cho kĩ ý ấy thời biết được Dịch lí biến hóa vô cùng mà ý thánh nhân dạy người hết sức tinh tường.

Bởi vì trên kia, Càn, Khôn, Truân, Mông trải qua thời kỳ không biết bao lâu, thiên địa đã định vị rồi; bước qua Truân, Mông thời là chính trị, giáo dục đã sắp đặt sẵn sàng rồi, bắt đầu vào thì Nhu, cũng ví như cơm đã đến lúc gần chín chỉ ngồi chờ hỏa hậu đến nơi nữa là được ăn. Vì vậy, ở Cửu Ngũ, thánh nhân không lấy nghĩa riêng mỗi hào, mà lấy nghĩa chung cả toàn quái, cũng như nghĩa Đại Tượng Truyện nói rằng quân tử dĩ ẩm thực yến lạc, vì rằng có tài dương cương, trung chính như hào Ngũ mà ở vào thời đại Nhu chính là lúc vô vi nhi thiên hạ trị.

Lại còn hai ý nghĩa nữa là thuộc về ý thánh nhân dạy người đời:

Một là: Thường lí trong thiên hạ, hoàn cảnh hay xoay chuyển được người mà người cũng xoay chuyển được hoàn cảnh. Nếu có đức dương cương, trung chính, lại có tài cương minh như Cửu Ngũ, thật là một bậc anh hùng tạo thời thế, mà cũng là một bậc thánh nhân xoay vũ trụ. Tuy giữa lúc Khảm hiểm mà xoay chuyển ra làm thái bình, cũng là lẽ tất nhiên.

Hai là: Tuy đương giữa lúc Khảm hiểm nhưng mình có tài dương cương ra gánh việc đời, giúp thiên hạ thoát ra ngoài vùng Khảm hiểm. Nếu như Cửu Ngũ biết dắt ba bạn dương cương dưới lên, mà làm nên công nghiệp ở thời đại Nhu, chớ thấy Khảm hiểm mà kinh sợ mới phải. Vậy nên Hào từ Cửu Ngũ nói Nhu vu tửu tự, cốt bảo cho người ta thấy Khảm hiểm mà vui, chớ thấy Khảm hiểm mà buồn, duy phải cẩn thận chờ thì, chớ không thể nóng nôn mà sai lầm, mất ý nghĩa Nhu vậy.

(Theo Quốc Văn Chu Dịch Diễn Giải-Phan Bội Châu)

 


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

Lê Công

0369.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt
Kinh Dịch
TIN NỔI BẬT

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 31 - Mương An Kim Hải - Kenh Dương, Le Chan, Hai Phong

Tel: 0369168366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/