Kinh Dịch
00/00/0000 - 4:31 PMLê Công 2011 Lượt xem

 Quẻ 1 :  |||||| Thuần Càn (乾 qián) ( quẻ này là quẻ tốt, tốt nhất về công danh sự nghiệp  )

Quẻ Thuần Càn, hay còn gọi là quẻ Càn (乾qián), tức Trời là quẻ số 01 trong Kinh Dịch.

* Nội quái là: ☰(||| 乾qián) Càn hay Trời (天).

* Ngoại quái là: ☰(||| 乾qián) Càn hay Trời (天).

 quẻ số 1 thuần càn

Quẻ 1 :  |||||| Thuần Càn (乾 qián)

Quẻ này là quẻ Bát Thuần Càn, Càn hạ cũng là Nội Càn, Càn thượng cũng là Ngoại Càn. Quẻ này sáu nét, tất thảy là nét dương, là tượng về thể trời, mà lại hoàn toàn thuộc về tính cương kiện nên đặt tên quẻ bằng Càn. Ba nét dưới là Càn hạ cũng là Nội Càn, ba nét trên là Càn thượng cũng là Ngoại Càn.

Nguyên Dịch của Phục Hy chỉ có ngần ấy.

Từ đây sắp xuống là lời Soán của Văn Vương.

 SOÁN TỪ: CÀN, NGUYÊN, HANH, LỊ, TRINH

 Soán, nghĩa là đoán. Bởi vì Văn Vương thấy được Quái hào của Phục Hy mà nghĩ rằng: Nếu chỉ thế mà thôi, thời sợ học giả chẳng hiểu được tinh lí diệu dụng của quẻ.

Vậy nên làm lời Soán để phân đoán minh bạch ý nghĩa trong quẻ.

Sáu mươi tư quẻ, hễ xem lời Soán, tất thảy có thể suy được.

Bây giờ, theo chữ một mà thích nghĩa lời Soán quẻ này:

Càn, nghĩa là Thuần Dương cực kiện; Nguyên nghĩa là đầu hết, cũng là lớn; Hanh nghĩa là thông thái, cũng là thuận tiện; Lị nghĩa là thỏa thích, tiện lợi, cũng là nên, là phải; Trinh nghĩa là chính, cũng là bền chặt cho đến cuối cùng.

Bây giờ lại thích suốt tuyền Soán từ, ý bảo rằng: Quẻ Càn này in như tính tình của trời, hoàn toàn dương cương, vả lại trung chính. Tài đức mà cũng được như Càn, thời làm việc gì cũng có thể được to lớn, thông thái, lị tiện, thuận thích mà lại kiên cố giữ chính cho đến lúc thành thục, mỹ mãn.

Nói tóm lại, Nguyên là lúc đầu sinh ra người, mà cũng là lúc bắt đầu làm việc. Người có bản chất rất tốt, mà khi bắt đầu làm việc, có chủ nghĩa rất hay, mục đích rất tốt, tức là Nguyên.

Đã đúng được cho Nguyên thời trải qua trung gian, tất nhiên tấn hành cũng được Hanh, Lị, mà đức Nguyên ấy lại tất phải trì thủ vững vàng cho đến lúc kết quả cuối cùng, tức là Trinh. Nay lại đặt một lẽ thí dụ cho dễ hiểu. Ví như một giống cây, hạt mộng rất tốt, rất chắc chắn, gieo xuống đất tức khắc nứt ra măng mậm, ấy là Nguyên. Trung gian sây ngành, rậm lá, ngậm nụ, nở hoa, ấy là Hanh, Lị. Đến lúc kết thành trái, trái chín, hạt ở trong trái, in như hạt giống nó khi xưa, ấy là Trinh. Hạt nó đem làm giống gieo xuống đất, lại y nhiên là Nguyên, bốn đức ấy xây vòng chung thỉ.

Đã Nguyên, tức nhiên Hanh, Lị; đã đến Hanh, Lị tức nhiên đến Trinh. Việc lớn như thế, việc nhỏ cũng như thế, làm việc một thân, một gia như thế, làm việc một quốc, một thiên hạ, một xã hội cũng như thế.

Nói trái lại, nếu bản chất đầu đã bất trung, bất chính, chủ nghĩa đầu đã chẳng tốt, thời tất nhiên bất hanh, bất lị, mà cuối cùng bất trinh. Đó chẳng qua theo giữa mặt chữ mà thích, còn thâm ý của thánh nhân, thời nhờ ở học giả gia tâm suy nghĩ.

Trên đây là Soán từ của Văn Vương. Từ đây sắp xuống là Soán Truyện của Khổng Tử.

Vì Đức Khổng thấy lời Soán của Văn Vương ý nghĩa bao hàm quá chừng rộng, đạo lí quá chừng sâu, mà văn từ lại quá chừng giản, sợ học giả không hiểu. Đã không hiểu, thời Dịch lí càng thêm lờ mờ. Ngài mới làm ra Soán Truyện, cốt để phát huy lời Soán của Văn Vương. Vậy nên đầu chương có hai chữ Soán viết (Soán Truyện, nghĩa là truyện để giải thích lời Soán).

 SOÁN TRUYỆN

 Soán viết: Đại taì Càn nguyên, vạn vật tư thỉ, nãi thống thiên. Vân hành vũ thí, phẩm vật lưu hình. Đại minh chung thỉ, lục vị thì thành, thì thừa lục long dĩ ngự thiên. Càn đạo biến hóa, các chính tính mệnh, bảo hợp thái hòa, nãi lị trinh, thủ xuất thử vật, vạn quốc hàm ninh.

彖曰: 大哉乾元, 萬物資始, 乃統天. 雲行雨施, 品物流形. 大明終始, 六位時成, 時乘六龍以御天. 乾道變化, 各正性命, 保合太和, 乃利貞, 首出庶物, 萬國咸寧.

 Truyện Soán này chia làm năm tiết để thích cho rõ ý nghĩa năm chữ: Càn, Nguyên, Hanh, Lị, Trinh.

Nguyên năm chữ ấy theo lời của Văn Vương, thời chỉ nói tóm về đức Càn, với sự nghiệp về đức Càn. Khổng Tử mới phân tách bốn chữ ra làm bốn đức, mà Càn thời bao quát cả bốn đức ấy.

Tiết thứ nhất

Thích riêng nguyên về chữ Nguyên

Soán viết: Đại tai Càn nguyên, vạn vật tư thỉ, nãi thông thiên.

Nghĩa Soán rằng: Lớn vậy thay, đức Nguyên của Càn, bao nhiêu sinh vật ở trong vũ trụ, tất thảy nhờ đức Nguyên ấy mà bắt đầu nảy nở ra; đức Nguyên ấy mới thực là thông quát hết thiên đạo.

Tiết thứ hai.

Thích nghĩa về chủ Hanh.

Vân hành vũ thí, phẩm vật lưu hình.

Nghĩa là: Khi vạn vật đã bắt đầu sinh dục rồi, thời nhờ nguyên khí của Càn, càng ngày càng phát triển, làm ra mây mà có biến hóa, làm ra mưa mà khắp nhuần thấm, bao nhiêu phẩm vật, nào giống phi, giống tiềm, giống động, giống thực, giống thai sinh, giống noãn sinh, giống hóa sinh, tất thảy thành hình thành sắc, mà trưởng dục mãi mãi cho đến vô cùng.

Đó là thấy được đức Hanh của Càn. Hai tiết trên đây chỉ thích Nguyên, Hanh thuộc về phần thiên đạo.

Còn về phần nhân sự, cũng có Nguyên, Hanh, nhưng mà nhân sự quá phiền tạp, nhỏ từ thân một người, cho đên những việc gì cũng có Nguyên, Hanh ở trong việc ấy, không thể kể ra hết được. Vậy nên Khổng Tử chỉ lấy cách trừu tượng mà thích lẽ Nguyên, Hanh của nhân sự, tửc là một bậc người có đức, trời được ngôi trời, chính là một bậc thánh nhân.

Tiết thứ ba

Đại minh chung thỉ, lục vị thì thành, thì thừa lục long, dĩ ngự thiên.

Cứ theo chữ mà thích nghĩa, thời nghĩa là: Bậc thánh nhân có đức sáng suốt cả chung cả thỉ, thấy được sáu hào vị quẻ Càn, mỗi thì một hào thời thành một vị, thánh nhân mới thuận thì trời mà hành đạo, thì nên ẩn mà ẩn, thì nên hiện mà hiện, thì nên tịnh mà tịnh, thì nên động mà động, in như cỡi sáu con rồng mà thông ngự khắp cả vùng trời.

Tiết này bốn câu: cộng mười lăm chữ, nhưng ý tứ thâm diệu cốt ở chữ thì.

Bởi vì sáu hào quẻ Càn, hào nào cũng là thể Càn cả nên gọi bằng lục long, nghĩa là biến hóa bất trắc, thâm diệu vô phương nên phải mượn chữ lục long để hình dung sáu hào vậy.

Học giả chớ thấy chữ long mà nhận rằng con rồng thật, sáu rồng chỉ là sáu hào Dương mà thôi, nhưng mà sáu hào xử vào sáu địa vị, vị đã khác nhau, nhân đó mà thì cũng khác nhau. Duy thánh nhân biết theo thì mà xử cho đúng vị, lại hay nhân vị mà chuyển di được thì, ấy là lục vị thì thành.

Tiết thứ tư sắp xuống thời thích góp hai chữ Lị, Trinh.

Tiết thứ tư

Càn đạo biến hóa, các chính tính mệnh, bảo hợp thái hòa, nãi lị, trinh.

Thích tóm cả bốn câu, thời nghĩa là: Đạo Càn biến hóa, khiến cho những vật gì thảy chính được tính mệnh mà lại gìn giữ được nguyên khí thái hòa, như lúc đầu trời đã phú cho. Thế mới là lị, trinh. Bây giờ lại thích riêng từng câu cho rõ ý nghĩa:

Càn đạo biến hóa, nghĩa là: Đạo Càn là một giống rất hoạt động, không phải là giống chết. Ví như, mùa Hạ dương rất nóng, bỗng chốc mà mùa Thu mát; mùa Đông đương rất rét, bỗng chốc mà mùa Xuân ấm. Lại như, giống ở trong trứng chẳng bao lâu mà thấy nó hay bay, giống ở dưới nước chẳng bao lâu mà thấy nó hay nhảy, tất thảy những tình trạng biến hóa đó, rặt là lẽ tự nhiên của đạo trời, đạo trời chính là đạo Càn. Vậy nên nhớ rằng: Càn đạo biến hóa, các chính tính mệnh nghĩa là: Đạo Càn tuy hay biến hóa nhưng mà kết quả thời mỗi vật gì cứ thành ra vật ấy, trời đã phú cho nó cái lí vô hình lại phú cho nó cái chất hữu hình, nó cứ giữ được cái lí vô hình thời thành ra tính. Tỷ như: trâu bò thời hay ăn cỏ, hùm beo thời hay ăn thịt, nó lại được cái chất hữu hình mà làm cái mệnh của nó, tức là sinh mệnh, như tục ta gọi người bằng nhân mệnh. Bởi vì nhờ có công dụng của đạo Càn biến hoá mà vật nào, vật nấy được thỏa thích cái tính, lại hoàn toàn được cái mệnh. Tỷ như: Trâu không bao giờ biến ra cọp, cọp không bao giờ biến ra trâu, v.v. Ấy là các chính tính mệnh.

Bảo hợp thái hòa nghĩa là: Càn đạo biến hóa, các chính tính mệnh, thế thời vật nào, vật nấy, cũng được đến lúc hoàn thành, nhưng sở dĩ được hoàn thành thời gốc nhờ ở lúc nguyên thỉ có hai khí âm, dương hòa hợp ngưng kết với nhau mới sinh dục được vạn vật, nguyên khí ngưng kết đó, tức là thái hòa.

Thái hòa là cái nguyên thỉ tạo nhân, tạo nhân thế nào, thời kết quả y nhiên thế ấy; tạo nhân của vạn vật, vì có Thái Hòa, thời kết quả của vạn vật cũng chỉ bảo hợp lấy thái hòa mà thôi. Thí dụ như: Loài người lúc đầu sở dĩ kết thai thành hình là vì có âm dương hòa hợp mà kết thành thai. Đương lúc đầu kết thai, tức khắc có bộ tim con đỏ, bộ tim con đỏ đó tức là thái hòa ngưng kết mà nên. Tới ngày sinh trưởng ra đời, chống chọi với hoàn cảnh, tạo thành nên sự nghiệp, kết quả chỉ giữ cho trọn vẹn bộ tim con đỏ mà thời.

Thầy Mạnh có câu rằng: Đại nhân giả bất thất kỳ xích tử chi tâm 大人者, 不失其赤子之心者也nghĩa là: Làm một người lớn cũng chỉ vì không bỏ mất bộ tim con đỏ mà thôi. Bởi vì xích tử chi tâm tức là nhân tâm, mà nhân tâm chính là kết tinh của thái hòa.

Câu nói thầy Mạnh có thể phát minh được nghĩa câu Bảo hợp thái hòa đó vậy.

Trẽn kia đã thích lị, trinh về phần Càn, bây giờ lại nói lị, trinh về phần nhân sự. Mà nói lị, trinh về phần nhân sự, tất phải chứng vào thánh nhân.

Tiết thứ năm

Thủ xuất thứ vật, vạn quốc hàm ninh, nghĩa là: Đấng thánh nhân có đức, có tài hơn hết ức muôn vật, thời trong lúc ấy phong hành hưởng ứng, vạn quốc tất thảy nghe theo mà nước nào cũng tương an vô sự. Thế thời vạn quốc hàm ninh là lị, trinh của thánh nhân đó vậy.

Bây giờ có một câu hỏi: Cứ như lời Đức Khổng thích Soán Từ, thời té ra Nguyên, Hanh, Lị, Trinh duy thánh nhân mới được hay sao?

Không phải thế, Nguyên, Hanh, Lị, Trinh là tứ đức của Càn, thuộc về loài người tức là tứ đoan:

Nhân là đức Nguyên, Lễ là đức Hanh, Nghĩa là đức Lị, Trí là đức Trinh.

Bản thể lòng người, vẫn ai nấy cũng có tứ đoan, chính là ai nấy cũng có tứ đức.

Thầy Tử Tư có nói rằng: Thất phu thất phụ khả dĩ dữ tri yên, khả dĩ dữ năng yên 匹夫匹婦可以與知焉, 可以與能焉 là nghĩa như thế.

Nhưng Đức Khổng sở dĩ chuyên nói về thánh nhân là có hai lẽ:

Duy thánh nhân mới giữ được quán triệt thỉ chung, mà tứ đức của bản tâm ngày càng viên mãn.

Hai là: Vì tất được thánh nhân có đức, có vị, thời Nguyên, Hanh, Lị, Trinh lại đạt ở cực điểm.

Lại có câu hỏi nữa:

Người có Nguyên, Hanh, Lị, Trinh, chứ như loài vật có hay không?

Câu hỏi đó theo như ý Soán Truyện, thời dễ trả lời lắm. Nguyên, Hanh, Lị, Trinh ở loài người với Nguyên, Hanh, Lị, Trinh ở loài vật, lí vẫn đồng mà hình tượng có khác nhau.

Tỷ như: Cây lúa khi gieo mộng là Nguyên, khi thành cây mạ là Hanh, khi ngậm sữa thành bông là Lị, khi kết quả thành thục là Trinh.

Cứ lẽ ấy mà suy, thời giống gì cũng có Nguyên, Hanh, Lị, Trinh cả.

Trên đây là thích Soán Truyện xong rồi, bây giờ lại thích vào Tượng Truyện.

Tượng Truyện là ý Đức Khổng muốn cho người học Dịch gặp quẻ nào cũng thể nhận được nghĩa quẻ ấy, cốt cho hữu ích với tấm thân, mà chẳng phải đọc suông ở đầu miệng nên Ngài làm ra Tượng Truyện.

Tượng Truyện có Đại Tượng, Tiểu Tượng. Thích tượng riêng từng hào gọi bằng Tiểu Tượng; thích tượng chung của một quẻ gọi bằng Đại Tượng.

 ĐẠI TƯỢNG TRUYỆN

 Tượng viết: Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức. 象曰: 天行健, 君子以自強不息.

 Đây là thích tượng quẻ Càn.

Lời Tượng Truyện của Đức Khổng nói rằng: Quẻ sáu hào dương này là quẻ Càn, Nội Càn, Ngoại Càn là cương kiện rất mực.

Xem quẻ ấy thời biết được trời đi rất mạnh. Theo độ chu thiên, thời mỗi ngày chạy giáp vòng trời một lần, không giây phút nào nghỉ.

Quân Tử học Dịch nên bắt chước trời, học như cách trời đi mà tự cường bất tức.

Tự cường nghĩa là mình tự đốc xúc lấy mình, dưỡng thành một sức mạnh ở giữa mình mà chẳng chờ ai giúp đỡ, ấy là nghĩa chữ tự cường.

Chẳng những một thân nên như thế, mà một gia, một quốc, một xã hội, một thế giới, cũng nên như thế.

Bởi vì mình có tự cường, thời cường ấy mới là cường của mình. Nếu nhờ ai mà cường, thời cường ấy là cường của ai, chứ chẳng phải cường của mình.

Đức Khổng sở dĩ ở tượng đầu Kinh mà yết ra hai chữ tự cường dạy cho những người học quẻ Càn, mà lại xem vào hai chữ bất tức, lại càng thâm thiết lắm.

Bất tức nghĩa là chẳng nghỉ, là bảo người đã tự cường tất phải từ trẻ tới già, già tới chết, chẳng bao giờ gián đoạn. Nếu có gián đoạn là mất lực tự cường rồi. Đã mất lực tự cường thành ra học quẻ Càn mà chỉ thấy có sáu nét ngang dài, thời có ích gì. Đó là thâm ý của Đức Khổng làm Tượng Truyện vậy. Từ đây sắp xuống là thích Hào từ của Thánh Chu Công.

Hào từ nghĩa là: Lời đoán mỗi hào. Mỗi một quẻ có sáu hào. Vạch quẻ thời vạch từ dưới vạch lên, nên hào vạch đầu hết là hào Sơ, vạch chuyển lên thứ hai là hào Nhị, thứ ba là hào Tam, thứ tư là hào Tứ, thứ năm là hào Ngũ, trên hết quẻ là hào Thượng. Thứ sáu thời đáng lẽ gọi bằng hào Lục, cớ sao lại gọi bằng Thượng?

BởI vì Dịch lí đủ cả thuận, nghịch. Vạch quẻ thời theo lối nghịch, từ dưới vạch lên. Xem quẻ thời theo lối thuận, từ trên xem xuống.

Vì ý thánh nhân bày cho ta xem quẻ nên vạch thứ sáu không gọi bằng Lục, mà gọi bằng Thượng. Vạch xong sáu hào rồi, lại phải phân biệt Hào thể và Hào vị.

Nghĩa là: Hào vạch đơn là một nét ngang liền, là hào dương. Hào vạch sách là một nét đứt đôi là hào âm. Dương hào thời gọi bằng Cửu, âm hào thời gọi bằng Lục.

Bởi vì Dịch lí là một giống vô hình, vô thể, tất phải mượn số để minh lí.

Dương có ba số sanh (Nhất, Tam, Ngũ), hai số thành (Thất, Cửu).

Dương kể thuận thời Cửu là thành số chi chung. Vậy nên lấy số Cửu mà đặt tên hào dương. Âm có hai số sanh (Tứ, Nhị), ba số thành (Thập, Bát, Lục). Âm kể nghịch thời Lục là thành số chi chung. Vậy nên lấy số Lục mà đặt tên hào âm.

Chúng ta đọc đến chữ Cửu thời biết là dương hào, đọc đến chữ Lục, thời biết là âm hào. Đó là Hào thể đã giải rõ rồi. Còn Hào vị cũng theo như hai hào mà định ra mỗi hào mỗi vị.

Sơ, Tam, Ngũ thuộc về số cơ, là dương vị.

Nhị, Tứ, Thượng thuộc về số ngẫu, là âm vị.

Đại phàm, thể hào Cửu mà ở vào vị dương, thể hào Lục mà ở vào vị âm, thảy đắc chính.

Nêu thể hào Cửu mà ở vào vị âm, thể hào Lục mà ở vào vị dương, thảy bất chính.

Lại mỗi hào thảy có ứng đối với nhau: Sơ, Tứ ứng với nhau. Nhị, Ngũ ứng với nhau, v.v.

Người này ứng với người kia, gọi bằng tương ứng, nhưng lại phải hào âm ứng với hào dương, hào dương ứng với hào âm mới gọi bằng tương ứng được. Nếu hào thể hai bên âm cả hay dương cả thời dầu hào vị đối với nhau mặc lòng, cũng không thể tương ứng được. Đó là vô ứng. Nhưng lại vì mỗi quẻ chia ba vạch dưới làm Hạ Quái, Nội Quái; ba vạch trên làm Thượng Quái, Ngoại Quái nên lại có nghĩa Nội Quái tương ứng. Nội Quái ba hào, Sơ là hào dưới hết, Tam là hào trên hết, duy Nhị là hào chính giữa là đắc trung. Ngoại Quái ba hào, Tứ là hào dưới hết, Thượng là hào trên hết, duy Ngũ là hào chính giữa là đắc trung.

Sở dĩ vô luận quẻ nào, hễ Nhị, Ngũ là đắc trung, ngoài ra các hào đều là bất trung.

Như trên kia thuyết minh là nói đại khái về phép xem quẻ, xem hào toàn bộ Kinh Dịch.

Bây giờ xin thích nghĩa hào Sơ quẻ Càn, thời bao nhiêu hào cũng có thể nhân đó mà suy được.

 HÀO TỪ VÀ TIỂU TƯỢNG TRUYỆN

Sơ Cửu: Tiềm long vật dụng.

初九: 潜龍勿用.

 Sơ là hào vị ở dưới hết, Cửu là hào thể thuộc về hào dương. Quẻ Càn là quẻ thứ nhất đầu Kinh Dịch, mà lại là quẻ Thuần Dương, hào này là vạch thứ nhất của quẻ Càn, bản thể nó là dương, mà ở vào vị cũng là dương vị. Vậy nên đặt tên bằng Sơ Cửu.

Tiềm long, nghĩa là con rồng còn nấp ngầm ở dưới thấp.

Bởi vì Dịch lí gốc vô hình nên thánh nhân phải mượn một giống hữu hình để phát minh Dịch lí. Long là một giống linh biến bất trắc mà lại thuộc về loài dương nên mượn chữ long để phỏng tượng cái đạo biến hóa của Càn.

Vì sao mà nói rằng tiềm?[4]

Bởi vì hào này là bắt đầu vạch ra mà ở dưới hết quẻ, in như con long còn nấp nép ở dưới vực sâu, sở dĩ gọi bằng Tiềm long.

Vì long đương lúc còn tiềm thời chưa có thể làm được những việc mây mưa biến hóa, cũng như một bậc tiền nhân tại hạ, hoặc khi mới ra đời, sức mỏng thế hèn, chỉ nên trầm tiềm hàm dưỡng, chờ đợi thì cơ, chớ nên vội vàng ra gánh việc đời. Sơ dĩ Hào từ bảo rằng: Vật dụng.

Chữ vật dụng là bảo cho bản thân hào này chưa nên thí dụng và cũng bảo cho những người dụng nhân, gập bậc tiềm long như hào này cũng chỉ nên bồi dưỡng vun đắp, chờ thì mà dụng, chớ nên vội vàng gấp dụng người ta.

Nói tóm lại, bản thân hào Sơ, thời là khả năng tắc tàng, mà người tương ứng với Sơ cũng chỉ nên tài giả bồi chi mà thôi. Nếu dụng ra làm việc đời cũng thất ư quá vội. Lời hào này chính là thâm ý của thánh nhân, cốt răn cho những người có tài mà cấp tiến chẳng chịu chờ thì vậy.

Trên đây là giải thích Hào từ của Chu Công, bây giờ lại giải thích Tượng từ của Khổng Tử. Tượng từ này gọi bằng Tiểu Tượng.

Bởi vì, Khổng Tử sợ học giả đọc Hào từ Chu Công mà không hiểu thấu ý nghĩa nên Ngài theo dưới mỗi hào, đặt vào mỗi bài Tiểu Tượng để thích ý nghĩa của Hào từ.

 Tượng viết: Tiềm long vật dụng, dương tại hạ dã. 象曰: 潜龍勿用, 陽在下也

 Hào từ nói rằng: Tiềm long vật dụng là cớ vì sao?

Là vì, đức dương cương, càn kiện, tuy vẫn là long, nhưng vì địa vị hoàn cảnh còn ở dưới hết, theo thì nghĩa thời chỉ nên tiềm, thì đương phải tiềm, tất không thể bay nhảy được, sở dĩ răn rằng: Vật dụng.

Cửu Nhị: Hiện long tại điền, lị kiến đại nhân.[5]九二: 見龍在田, 利見大人.

 Hào Cửu Nhị này ở chính giữa Nội Càn, là dương cương mà lại đắc trung. Vả lại dương hào ở vào dương quái, trông lên quẻ trên, có hào Cửu Ngũ là bạn dương cương chính ứng với mình, thế là cương kiện đắc trung, mà lại đắc thì ngộ chủ, tượng như long đã thoát li nơi tiềm ẩn, mà lại có cơ hội làm mây mưa, tỏ rõ ra một vật thần linh ở trên mặt đất. Sở dĩ rằng: Hiện long tại điền. Tuy nhiên, việc trong thiên hạ, không bao giờ chỉ một người mà làm nên, mà cũng không bao giờ làm việc thiên hạ mà chỉ làm lị ích cho một mình.

Cửu Nhị cương kiện đắc trung, chính là một bậc đại nhân, mà lại tất phải có một bậc cương kiện, trung chính, như Cửu Ngũ, cũng là đại nhân.

Hai bậc đại nhân đó, đồng tâm đồng đức với nhau, mới có thể làm nên việc lớn trong thiên hạ, tới khi hai bậc đại nhân ấy đã đồng thời xuất hiện thời thiên hạ ai nấy cũng trông mong vào, nên Hào từ nói rằng: Lị kiến đại nhân.

Nghĩa là một phương diện thời đại nhân là Cửu Nhị phải hội ngộ với đại nhân là Cửu Ngũ, một phương diện thời thiên hạ mừng thấy được bậc đại nhân là Cửu Nhị.

 Tượng viết: Hiện long tại điền, đức thí phổ dã. 象曰: 見龍在田, 德施普也.

 Lời Tiểu Tượng của Khổng Tử nói rằng: Hào từ sở dĩ có câu: Hiện long tại điền, lị kiến đại nhân, nghĩa là đức long của Cửu Nhị đã phát triển khắp mọi nơi, thiên hạ chẳng những lị kiến Cửu Ngũ mà thôi, lại [còn] lị kiến Cửu Nhị đó vậy.

 PHỤ CHÚ: Chữ long ở Cửu Nhị chính là chữ long ở Sơ Cửu, vẫn một bậc thánh nhân như nhau, nhưng vì thời đại hào Sơ là buổi còn phải tu dưỡng, đến thời đại hào Nhị là buổi đã tiến hành nên tiềm, hiện có khác nhau mà long chỉ là một, chẳng qua tùy địa vị với hoàn cảnh, thì đã bất đồng thời cách tu tiến cũng bất đồng.

Chữ tiềm, chữ hiện khác nhau, chính là đúng nghĩa chữ thì ở trong Dịch bọc.

Cửu Tam: Quân tử chung nhật kiền kiền, tịch dịch nhược, lệ, vô cựu. 九三: 君子終日乾乾, 夕惕若, 厲, 无咎.

 Hào này ở trên hết nội Càn, vạch đơn, thể dương là dương hào ở vào dương vị nên gọi tên nó bằng Cửu Tam.

Theo như lệ sáu hào mà chia ra làm tam tài, thời Sơ, Nhị ở đoạn dưới là địa, Ngũ, Thượng ở đoạn trên là thiên, Tam, Tứ ở giữa là nhân.

Lại theo về thể toàn quẻ mà chia ra làm quẻ trên, quẻ dưới, thời ba hào ở trong là quẻ dưới. Hào này ở vị Tam, thời Tam là vị nhân. Theo về thể toàn quẻ thời Tam ở trên hạ thể ,nghĩa là ở vị chông chênh. Bảo rằng trên, thời nó vẫn ở hạ thể, bảo rằng dưới thời nó lại ở trên Hạ Quái. Người mà ở vào địa vị ấy là một cảnh rất khó xử. Nếu bản thân mình mà không thiệt giỏi, thời e đến nỗi dưới kéo, trên giằng mà thành ra một người trụy lạc.

Hào này ở vào địa vị khó xử như thế, mà tính chất bản thân nó, đã Cửu là dương cương, lại Tam cũng dương cương, mà lại ở không được trung vị như Nhị, Ngũ. Thế là một người trùng cương bất trung, lấy một người quá cực cương như thế, mà xử vào địa vị bán thượng lạc hạ, nguy hiểm biết chừng nào! Sở dĩ thánh nhân đặt làm lời răn rằng: Quân tử chung nhật kiền kiền, tịch dịch nhược. Nghĩa là: Quân tử xử vào địa vị hào Cửu Tam, lại xét trong mình cũng tính chất như hào Cửu Tam, tất phải hết sức tu tĩnh cang trì, suốt ngày từ sáng tới tối, đã thường thường kiền kiền[6] mà lại dịch nhược[7].

Nếu được như thế, thời tuy xử vào địa vị đáng nguy mà chắc cũng chuyển họa vi phúc, hóa dữ ra lành, không đến nỗi có tội lỗi, sở dĩ Hào từ có ba chữ: Lệ, vô cựu[8].

Hào này vẫn cũng một người tốt nên Hào từ có chữ quân tử.

Tuy nhiên, đã quân tử cớ sao kiền dịch tối ngày mà chỉ may được vô cựu? Bởi vì địa vị hào này ở vào trung lưu. Tùng lai, quốc gia nào, xã hội nào, thế giới nào, rất quan hệ ở hạng người trung lưu; người ở trên mình thời trách móc vào mình, người ở dưới mình thời trông mong vào mình. Cơ quan thành hay bại đã quan hệ rất lớn, mà xử trí lại rất khó. Nếu mảy may không cẩn thận, thời hung họa tới nơi. Sở dĩ chung nhật kiền kiền, tịch dịch nhược mới may được vô cựu. Đó là thâm ý thánh nhân dạy người xử thế vậy.

 PHỤ CHÚ: Sáu hào quẻ Càn thảy có thể dụng chữ long được, bởi vì hào ở quẻ Thuần Dương, là có tượng long. Cớ sao Hào từ Cửu Tam lại không dụng chữ long mà lại dụng chữ quân tử? Đó là ý thánh nhân tỏ cho ta học Dịch phải biết những chữ thủ tượng ở trong Dịch chỉ là mượn tượng cho sáng ý mả thôi, chứ không phải thấy tượng nào là ấn định sự vật ấy.

Giả như: Chữ long quẻ Càn mà chỉ nhận nhất định là rồng thời còn gì là học Dịch nữa đâu. Vậy xin học giả học Dịch xem ở hào Cửu Tam thời biết ý nghĩa chữ long, ở các hào kia cũng chỉ thế chữ quân tử mà thôi. Đó là xem ý không cần xem chữ. Thế mới là biết học Dịch.

 Tượng viết: Chung nhật kiển kiền, phản phục đạo dã. 象曰: 終日乾乾, 反復道也.

 Tượng của Đức Khổng Tử nói rằng:

Hào từ sở dĩ rằng chung nhật kiền kiền, là bảo người ta ai xử vào địa vị Cửu Tam chính là [ở vào] địa vị làm người, tất phải ngày nào suốt một đời người, chỉ là tráo đi trở lại, tự thỉ chí chung, bao nhiêu đường lối mình đi chỉ cốt cho đúng đạo lí.

 PHỤ CHÚ: Tượng từ của Khổng Tử suy rộng ý Hào từ của Chu Công, vì hào Cửu Tam đứng vào vị nhân nên thống luận loài người ai nấy cũng phải lo cho trọn đạo người, chẳng những một Cửu Tam mà thôi, vì vậy nên có câu phản phục đạo dã. Đó là Đức Khổng suy rộng ý của Chu Công, chúng ta học Tiểu Tượng thảy nên biết ý ấy.

Cửu Tứ: Hoặc dược tại uyên, vô cựu.九四: 或躍在淵, 无咎.

 Hào này vẫn thể Dương ở vào vị âm, kể thể sáu hào thời Cửu Tứ là hào thứ tư, thuộc về số chẵn, là số âm, bản thân nó vạch đơn, là dương hào nên gọi tên nó bằng Cửu Tứ. Nghĩa là dương hào mà ở âm vị, có hiềm nghi vì bất chính. Kể thể toàn quẻ thời nó ở vào quẻ trên mà lại ở dưới quẻ trên, thế là xử vị lại bất trung.

Trông lên thời nó không được như Ngũ, ngó xuống thời nó lại không được như Nhị. Thế là bản thân Tứ sở xử đã bất chính lại bất trung, nhưng mà ở vào quẻ Càn, thời bản thân nó là chất cương kiện, vẫn cũng là một bậc quân tử, chỉ vì địa vị với hoàn cảnh của nó, muốn tiến mà chưa chắc tiến đã hay, muốn thối mà lại e thối cũng dở. Vậy nên thì gian của Tứ, chỉ nên châm chước thẩm thận, lựa xem thì cơ mà tiến, thối cho đúng; thì nên tiến thời ta tiến, thì nên thối thời ta thối. Nếu cơ hội đáng tiến thời tiến ngay, tượng như long dược. Long đã dược thời chẳng bao lâu cũng đến phi. Nếu thì cơ chưa đến tiến, tất phải nằm im mà chờ thì, tượng như long tại uyên. Vậy nên Hào từ nói rằng: Hoặc dược tại uyên[9]biết tùy thì như thế, chắc không lầm lỗi, ấy là vô cựu.

 PHỤ CHÚ: Địa vị hào Tứ cũng như địa vị hào Tam, cũng xử cảnh bán thượng lạc hạ, rặt là ở vào cảnh tiến, thối lưỡng nan, chỉ duy khác hơn Cửu Tam chút đỉnh là Cửu Tam thời chưa có thể tiến mà Tứ thời có thể tiến được. Bởi vì Tam còn ở quẻ dưới, mà Tứ đã bước lên quẻ trên, sở dĩ tiến, thối, có khác nhau. Thánh nhân dạy cho người nên thẩm thận xem thì mới khỏi mắc cái lỗi táo tiến nên Hào từ có chữ hoặc, nghĩa là không nhất định.

Xem Tiểu Tượng của Khổng Tử dưới đây lại càng minh bạch.

 Tượng viết: Hoặc dược tại uyên, tiến, vô cựu dã. 象曰: 或躍在淵, 无咎也.

 Hào này đã li khỏi Hạ Quái mà lên gần Cửu Ngũ, thời thế nào cũng tiến mà thôi, nhưng tất phải tiểu tâm cẩn thận và có trí biết xem thì mà tiến mới vô cựu.

Tượng từ nói rằng: Tiến vô cựu dã, là chỉ ngậm ý chữ dược, mà nuốt được chữ tại uyên. Đó là phát minh ý Hào từ, nghĩa là tất có thì tiến nhưng không nên cấp tiến, chính là nghĩa tùy thì ở trong Dịch học.

Cửu Ngũ: Phi long tại thiên, lị kiến đại nhân. 九五:飛龍在天, 利見大人.

 Cửu là hào dương, Ngũ là vị dương, dương hào ở dương vị là đắc chính.

Ngũ là hào ở chính giữa Ngoại Quái là đắc trung, vả lại ở vào quẻ Càn là có tính chất cương kiện. Đã cương kiện lại trung chính là tuyền đức của thánh nhân, mà ở vị Ngũ lại là địa vị chí tôn ở trong quẻ, ấy là thánh đức ở thiên vị, tượng như con long bay giữa trời, thiệt là một hào tốt nhất ở trong sáu hào nên Hào từ nói rằng: Phi long tại thiên.

Tuy nhiên, việc trong thiên hạ, há chỉ một thánh nhân mà làm nên ư? Có bậc thánh nhân ở vị trên tất phải có bậc thánh nhân ở vị dưới, giùm giúp với nhau, trao đỡ cho nhau mới làm nên sự nghiệp to lớn mà thiên hạ mới tín ngưỡng vào mình.

Nên Hào từ nói rằng: Lị kiến đại nhân, nghĩa là, Cửu Ngũ vẫn là đại nhân, nhưng cũng phải lị kiến đại nhân ở dưới là Cửu Nhị nữa mới được, cũng như Cửu Nhị phải lị kiến đại nhân ở trên là Cửu Ngũ đó vậy.

Hai bậc đại nhân ấy đồng tâm, đồng đức làm nên sự nghiệp của Càn mà thiên hạ phải vọng phong chiêm ngưỡng, ấy là lị kiến đại nhân vậy.

 PHỤ CHÚ: Chữ long ở Cửu Ngũ với chữ long ở Sơ Cửu, nguyên chỉ một long, mượn mà thí dụ một bậc thánh nhân, khác nhau chỉ chữ tiềm và chữ hiện. Hiện rồi dượcdược rồi phi, cũng chỉ là tu dưỡng tích lũy từ nhỏ tới lớn, từ thấp lên cao, vẫn theo thì mà tiến lần, không phải trọn đời cứ tiến mãi, cũng không phải bỗng chốc mà phi ngay. Chúng ta nếu kiên trì đức hạnh, tích lũy công phu, bắt đầu tiềm dưỡng như Sơ, rồi bước lên hiện long như Nhị, lại còn kiền dịch như Tam, hoặc dược như Tứ, thì giờ lâu dài, công phu thành thục, thời sự nghiệp phi long như Cửu Ngũ cũng há phải việc rất khó đâu.

Xưa nay, thảnh hiền, hào kiệt chẳng ai tiềm mãi mà không phi, cũng chẳng ai muốn phi mà không gốc ở tiềm. Thầy Mạnh có câu: Nhân hữu bất vi dã, nhi hậu khả dĩ hữu vi, nghĩa là: Người ta tất trước có cái không chịu làm mà sau mới có thể đến lúc làm. Lời nói đó rất hợp với nghĩa Kinh Dịch. Bất vi tức là tiềm, hữu vi tức là phi, chỉ cốt cho đúng thì, nghĩa, là tác dụng của đại nhân đó vậy.

 Tượng viết: Phi long tại thiên, đại nhân tạo dã. 象曰: 飛龍在天, 大人造也.

 Nghĩa là: Đại nhân ở hào Ngũ này, cũng là đại nhân ở hào Nhị, nhưng trước kia mới thấy được thịnh đức của đại nhân, bây giờ thời thấy được đại nghiệp của đại nhân, chính là một bậc đại đức, đại tài, chuyển di được thời thế, tạo thành được thế giới, sở dĩ rằng đại nhân tạo dã. Đại nhân là thay cho chữ long, tạo là thay cho chữ phi.

 PHỤ CHÚ: Đọc Hào từ này, nếu hạng người bình thường thời thế nào? Tất phải xét trong mình, quả đã có công phu “tiềm, hiện” được như Sơ, Nhị hay chưa? Nếu chưa, thời chưa nên đứng vào địa vị “phi long”, mà phải tìm kiếm cho được bậc đại nhân như Cửu Ngũ, còn mình chỉ là một người lị kiến người ấy mà thôi. Thế mới là người biết học Dịch.

Thượng Cửu: Kháng long hữu hối.上九: 亢龍有悔.

 Hào này vạch đơn là hào dương, vạch thứ sáu quẻ Càn là ở trên hết quẻ nên gọi tên nó bằng Thượng Cửu, hào dương ở quẻ Càn, vẫn có đức cương kiện, cũng là một vị quân tử nên cũng tượng là long, nhưng địa vị hào ấy ở cuối cùng quẻ Càn, là cao đến tột bực. Thế là: Thượng chi cực, sự chi chung 上之極, 事之終.

Hễ việc thiên hạ, cùng thời biến, đầy thời nghiêng. Nêu bậc quân tử xử vào địa vị hào này, tất phải răn đường dinh mẫu, giữ lối khiếm nhường mới tránh khỏi họa thái cương tắc chiết 太剛則折. Nếu không thế, đầy quá mà chẳng biết dè, tiến hoài mà chẳng biết thối, ấy là kháng long. Kháng nghĩa là cao cực, cũng có nghĩa là cương cực; cương cực thời không thế ôn hòa, cao cực thì không thể thối được; đầy tất phải tràn, cương quá thời gãy, thế nào cũng có việc phải ăn năn; sở dĩ hữu hối.

Xem như đời xưa, vua Nghiêu nhường vị cho vua Thuấn, đời sau ông Hoa Thịnh Đốn không chịu làm Đại Tổng Thống lần thứ hai, chính là tránh họa “kháng long” vậy.

Nã Phá Luân bị đày ở hoang đảo, Viên Thế Khải bị đánh đổ vì đảng Quốc Dân, chính là “Kháng long hữu hối”; đó chẳng qua chứng vào việc lớn mà thôi, bao nhiêu việc trong thiên hạ, nhỏ từ một thân, một gia, lớn đến một quốc, một xã hội, một thế giới, cũng lẽ như thế.

 PHỤ CHÚ: Chữ long ở Thượng Cửu, cũng một long như năm hào kia; hào này sở dĩ hữu hối, chẳng phải lỗi tại chữ long mà lỗi tại chữ kháng. Bởi vì địa vị hào Thượng Cửu là dương cương đã đến lúc thái quá, mà lại tột mực cao, nếu không hay biến thông, tất có họa hại. Đó là thâm ý thánh nhân dạy người xử thế.

 Tượng viết: Kháng long hữu hối, dinh bất khả cửu dã.

象曰: 亢龍有悔, 盈不可久也.

 Hào từ nói rằng: Kháng long hữu hối nghĩa là: Sáu hào quẻ Càn, hào nào cũng có thể gọi bằng long, đáng lẽ là vô hối, nhưng vì hào Thượng Cửu này, Càn đạo cũng đã đến lúc cùng cực rồi, địa vị đã đến lúc quá cao rồi, thế là đã đến hồi mãn dinh, hễ vật lí đã đến hồi mãn dinh thời không thể lâu dài được.

Dụng Cửu: Kiến quần long vô thủ, cát.用九: 見羣龍無首, 吉.

 Dụng Cửu vẫn không phải là một hào, nhưng theo về Hào từ của Chu Công, thời cũng giả thiết làm một hào. Bởi vì nguyên lí của Dịch, trọng yếu thứ nhất là biến dịch, vả lại đầu tiên Phục Hy vạch quẻ, thời trong phép xem quẻ có biến động mới vô cùng, hào dương có thể biến làm hào âm, hào âm có thể biến làm hào dương. Sáu hào dương quẻ Càn, biến hết thảy thành ra quẻ Thuần Khôn, đó là cơ vi diệu của tạo hóa, vẫn gì gì cũng có biến dịch. Chu Công muốn cho ta hiểu lẽ ấy nên ở quẻ Càn, quẻ Khôn thêm vào hai hào đặt tên là “Dụng Cửu”, “Dụng Lục”, nghĩa là: Hễ hào dương thời dụng số Cửu mà không dụng số Thất, hào âm thời dụng số Lục mà không dụng số Bát, nên một cái thông lệ cho người là đọc 384 hào vậy.

Vì đã có hai hào ấy, nên Chu Công lại thêm vào hai Hào từ để cho rõ thâm ý của thánh nhân thùy giáo. Đó là thích nghĩa quẻ Càn, còn quẻ Khôn cũng y vậy.

Kiến quần long vô thủ nghĩa là sao? Long là dương hào, quần long là sáu hào dương, vô thủ là sáu hào dương thảy biến cả.

Bởi vì, Dương là tượng long, mà long sở dĩ hoạt động khác thường, là cốt ở cái đầu. Bây giờ dương hào đã biến hết cả, là tượng như long đã tiêu diệt hết cái hình tích hoạt động, chính là vô thủ, nghĩa là không thấy đầu con long nào nữa vậy.

Nhưng đó chẳng qua theo ở trên mặt chữ mà giải thích nghĩa đen đó thôi. Nếu nhận cho ra ý thâm diệu của thánh nhân, thời sâu xa huyền bí quá.

Nguyên lai, thánh nhân tác Dịch, gộp cả thiên đạo, nhân sự mà kể suốt từ vô thỉ đến vô chung. Trên kia, trải qua sáu hào quẻ Càn, kể bằng sáu đại vận hội ở trong vũ trụ có thể đặng, mà kể bằng sáu thời đại rất dài ở trong xã hội, sáu tuần tự tiến hóa ở trong nhân loại, cũng có thể đặng. Tỷ như Sơ tiềm long là thuộc về thời đại còn hỗn độn. Nhị hiện long là thuộc về thời đại đã có văn tự, thi thư. Tam, Tứ là thuộc về thời đại trung cổ dĩ hậu. Ngũ phi long là thu


Tin liên quan

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

Lê Công

0369.168.366

Nhà đất bán theo tỉnh thành
Nhà đất cho thuê theo tỉnh thành
Kinh Dịch
Tử vi
Huyền không Phi Tinh
Văn Hóa_Tín Ngưỡng
Thước lỗ Ban
Xen ngày tốt
Kinh Dịch
TIN NỔI BẬT

LÊ LƯƠNG CÔNG

Trụ sở: Số 31 - Mương An Kim Hải - Kenh Dương, Le Chan, Hai Phong

Tel: 0369168366 - Hotline: 0919.168.366 - Email: nhadatcongminh@gmail.com

Copyright © 2019 https://leluongcong.com/